Chẩn đoán, phòng và điều trị bệnh Đái tháo đường

   Trong những năm gần đây, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đang ngày càng là vấn đề lớn đối với giới y khoa cũng như đối với cộng đồng. Điều đó hoàn toàn có căn nguyên xác đáng.

1. Tổng quan Đái tháo đường

Đái tháo đường - ĐTĐ (hay Tiểu đường, Đái đường) là một bệnh chuyển hoá, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hoàn toàn hoặc không hoàn toàn chất insulin (hormon của tuyến tuỵ) trong máu. Đây là một loại bệnh rất hay gặp (ĐTĐ chiếm tỉ lệ tới 60 - 70% các bệnh về nội tiết nói chung) và gây nhiều biến chứng ở các cơ quan trong cơ thể. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, bệnh ĐTĐ biểu hiện bằng sự rối loạn chuyển hoá glucose, nồng độ glucose trong máu ngày càng tăng và xuất hiện glucose trong nước tiểu. Cũng chính vì lý do này mà người ta lấy tên của triệu chứng điển hình này để đặt tên cho bệnh.

  Theo thống kê của WHO, số người mắc bệnh ĐTĐ trên thế giới ngày một tăng. Thực tế cho thấy, càng cao tuổi và càng béo thì càng dễ mắc bệnh ĐTĐ, nhưng trẻ em cũng không loại trừ ĐTĐ (tuổi thiếu niên chiếm tới 8%). Ngoài yếu tố di truyền, nguyên nhân quan trọng khiến cho tỉ lệ người bị ĐTĐ ngày một tăng là do điều kiện dinh dưỡng tốt hơn, nên số người béo ngày càng nhiều; các yếu tố khác như nhịp độ cuộc sống thay đổi, nhiều căng thẳng, các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp… ngày càng tăng.

Ngoài ra một số người bị ĐTĐ còn có nguyên nhân là do các bệnh nội tiết khác, hoặc do thuốc và hoá chất ..

   Tại Việt Nam tỉ lệ người mắc ĐTĐ ngày càng tăng và có tới 50% người mắc ĐTĐ không biết mình có bệnh. 


Càng béo thì càng dễ mắc bệnh ĐTĐ

2. Phân loại

ĐTĐ có 2 dạng chính, đó là ĐTĐ type 1 và ĐTĐ type 2

2.1. Thế nào là ĐTĐ type 1?

  ĐTĐ type 1 là ĐTĐ lệ thuộc insulin (hay gặp ở người trẻ tuổi). Đây là một tình trạng rối loạn chuyển hoá, mà nguyên nhân chính là do tế bào beta của tuyến tuỵ không tổng hợp và tiết đủ insulin, lượng insulin lưu hành trong máu rất ít, nên không thể điều hoà được lượng glucose trong máu. ĐTĐ type 1 là một bệnh thể nặng, thường xuất hiện đột ngột, diễn biến cấp tính, hay gặp sau khi nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc, có thể dẫn đến hôn mê.

2.2. Thế nào là bệnh ĐTĐ type 2?

    Khác với ĐTĐ type 1, bệnh ĐTĐ type 2 không lệ thuộc insulin. Bệnh hay gặp ở người cao tuổi, người béo, nữ mắc nhiều hơn nam. Đối với thể bệnh này, insulin do tuyến tuỵ tiết ra có thể đạt được số lượng như người bình thường nhưng lại giảm hoặc không có tác dụng điều hoà lượng glucose trong máu, do có kháng thể kháng insulin chống lại hoặc receptor tiếp nhận insulin trên màng tế bào bị hỏng. Đây là thể bệnh phổ biến, có tới hơn 90% số người bị ĐTĐ là thuộc type 2.

3. Triệu chứng và các biến chứng của bệnh ĐTĐ?

    Dù là ĐTĐ type 1 hay type 2 các bệnh nhân đều có các triệu chứng: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sút cân. Ngoài ra người bệnh còn bị khô miệng, khô da, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, rụng tóc và rối loạn kinh nguyệt (ở phụ nữ), vết thương lâu lành, có cảm giác kiến bò ở đầu chi ... Nếu bệnh nhân không được khám và điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nặng và phức tạp ở các phủ tạng.

3.1. Các biến chứng thường xẩy ra là:

* Biến chứng mạch máu: Tổn thương mạch máu do tăng lipid máu gây vữa xơ động mạch. Tổn thương mạch máu lớn gây ra nhồi máu cơ tim, tỉ lệ nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân ĐTĐ rất cao, gây co thắt và hẹp các động mạch tứ chi, dẫn đến tắc mạch gây hoại tử. Tổn thương mạch máu nhỏ gây ra rối loạn chức năng một số cơ quan như thận, tiết niệu, võng mạc mắt, nếu không được điều trị tích cực có thể dẫn đến suy thận, mù lòa…

* Biến chứng hô hấp: Dễ bị viêm phổi, viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn.

* Biến chứng tiêu hoá: Hay bị viêm quanh răng, viêm loét dạ dày, rối loạn chức năng gan, tiêu chảy.

* Biến chứng thận, tiết niệu: Rối loạn chức năng thận và bàng quang, mà điển hình là suy tiểu cầu thận, viêm bể thận cấp tính hoặc mạn tính.

* Biến chứng thần kinh: Có cảm giác đau, rát bỏng, có kiến bò ở các đầu chi (đau tăng về đêm, đi lại thì đỡ đau); teo cơ...

* Biến chứng ở mắt: Tổn thương các mạch máu võng mạc mắt làm suy giảm thị lực. Đây là một biểu hiện rõ nhất hay gặp nhất ở bệnh nhân bị ĐTĐ.

* Biến chứng ở da: Ngứa ngoài da, thường hay bị mụn nhọt, lòng bàn tay, bàn chân có ánh vàng; xuất hiện các u màu vàng gây ngứa ở gan bàn tay, bàn chân, mông, nẫm da, viêm mủ da.

* Biến chứng não: Tắc mạch máu não, gây nhũn não hoặc xuất huyết não (Đột quỵ).

4. Chẩn đoán ĐTĐ như thế nào?

Theo qui ước của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của hội ĐTĐ Mỹ (ADA) công bố năm 2017 thì ĐTĐ là một bệnh tăng glucose máu mạn tính, bệnh nhân bị ĐTĐ khi có 1 trong 4 tiêu chuẩn sau:

  1. HbA1C > 6,5%.

  2. Glucose khi đói >7,0 mmol/l.

  3. Glucose/2h > 11,1 mmol/l ( Khi làm nghiệm pháp Dung nạp Glucose đường uống).

  4. Glucose máu ngẫu nhiên> 11,1 mmol/l kèm theo các triệu chứng cổ điển của bệnh ĐTĐ.

*Nhóm có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ là giai đoạn tiềm tàng của ĐTĐ- giai đoạn Giảm khả năng dung nạp Glucose:

  • Rối loạn đường huyết khi đói: 5,6 - 6,9 mmol/l

  • Rối loạn dung nạp glucose:  7,8 - 11mmol/l ( mẫu glucose sau 2h)

  • HbA1c: 5,7 - 6,4%

    Tùy theo chế độ ăn và chế độ sinh hoạt mà thời gian từ khi bị Giảm khả năng dung nạp Glucose đến khi chuyển sang ĐTĐ có thể từ 1-5 năm. Nếu có chế độ ăn và sinh hoạt hợp lý kết hợp với điều trị thì thời gian này có thể kéo dài. 

   Chính vì vậy chẩn đoán sớm bệnh ĐTĐ là phát hiện sớm tình trạng giảm khả năng dung nạp Glucose để có chế độ ăn uống, sinh hoạt và điều trị hợp lý sẽ hạn chế bệnh ĐTĐ và các biến chứng của nó. Ngoài ra, cần làm thêm các xét nghiệm về lipid máu, chức năng thận, MAU, tổng phân tích nước tiểu, khám chuyên khoa mắt, chụp Xquang phổi... để phát hiện các biến chứng của bệnh ĐTĐ. 

*Đái tháo đường thai kỳ
   Ngày nay, ước tính có khoảng 20,3% (năm 2012) những phụ nữ có thai bị bệnh đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐ), bệnh được định nghĩa là những trường hợp được phát hiện đường huyết cao lần đầu tiên trong thời gian mang thai, không loại trừ khả năng họ bị ĐTĐ từ trước nhưng chưa được chẩn đoán.

Chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ bằng cách nào?
   Ngay khi thai phụ đến khám thai lần đầu, nên đánh giá các yếu tố nguy cơ. Nếu thai phụ có các yếu tố nguy cơ cao như tuổi > 35, béo phì, tiền căn có ĐTĐ thai kỳ, đường niệu (+), có tiền căn gia đình bị ĐTĐ sẽ được tầm soát ĐTĐ ngay. Nếu thai phụ có yếu tố nguy cơ trung bình sẽ thực hiện tầm soát vào tuần lễ thứ 24-28 của thai kỳ.
  Chẩn đoán xác định ĐTĐ thai kỳ bằng nghiệm pháp dung nạp 75g glucose: làm vào buổi sáng sau khi sản phụ đã nhịn đói trên 9 giờ. Tiến hành đo đường huyết trước và sau 1h; 2h uống glucose. Chẩn đoán ĐTĐ nếu sản phụ có ít nhất 2/3 mẫu xét nghiệm có Glucose Dương tính: trên 5,1 mmol/l (đói), trên 10,0 mmol/l (sau 1h) và  trên 8,5 mmol/l (sau 2h). 

5. Điều trị ĐTĐ như thế nào?
    ĐTĐ là bệnh mạn tính và gây nhiều biến chứng, do đó người bệnh cần có thái độ bình tĩnh để xắp xếp lại sinh hoạt, chế độ ăn uống và cách sống sao cho phù hợp với tình trạng bệnh. Bệnh nhân bị ĐTĐ nên sống năng động hơn, tăng vận động, mỗi ngày nên dành thời gian đi bộ, tập thể dục, ngoài ra có thể chơi các môn thể thao phù hợp với sức khoẻ. Thể thao chính là một phương pháp hỗ trợ điều trị cùng với thuốc cho bệnh nhân ĐTĐ.

    Bản chất của bệnh ĐTĐ là rối loạn chuyển hoá, do đó người bệnh ĐTĐ cần có chế độ ăn uống hợp lý với tỉ lệ các chất dinh dưỡng đúng như phác đồ điều trị của thầy thuốc. Chế độ ăn phải đảm bảo đầy đủ lượng protid, glucid, lipid để cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể. Tôn trọng nguyên tắc chế độ ăn là: ăn các thức ăn có nhiều chất xơ như các loại rau xanh. Hạn chế ăn chất béo nhất là mỡ động vật. Kiêng ăn đường tự nhiên, các thức ăn quá ngọt. Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia và các đồ uống có cồn.

    Khi hai biện pháp trên vẫn không ổn định được lượng glucose trong máu, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc giảm glucose trong máu. Thuốc điều trị ĐTĐ có nhiều loại khác nhau, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân sử dụng loại thuốc thích hợp.

   Trong khi điều trị ĐTĐ cần theo dõi glucose máu và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt thích hợp để theo dõi kết quả điều trị và tránh các cơn hạ glucose máu.

* Biến chứng hạ glucose máu :
    Khi glucose máu < 4,0 mmol/l sẽ có nhiều khả năng xuất hiện cơn hạ glucose máu với các Triệu chứng điển hình: Run rẩy, chóng mặt, đổ mồ hôi, đói, đau đầu, da tái nhợt, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, mờ mắt…nếu nặng có thể mất ý thức, ngất xỉu. Đây là một trong những biến chứng chắc chắn sẽ gặp ở bệnh nhân bị ĐTĐ và có thể gây nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời.

   Nguyên nhân hạ glucose máu là do: Dùng quá liều thuốc, ăn muộn hay bỏ bữa, ăn quá ít, vận động quá mức, uống rượu nhiều…Đề phòng: Tránh các nguyên nhân gây ra hạ glucose máu, đem theo đường hoặc bánh ngọt khi ra khỏi nhà. Điều trị hạ glucose máu: Uống 1 cốc nước đường, ăn 1 chiếc bánh ngọt hoặc cốc nước trái cây ngọt. Gọi cấp cứu nếu cần thiết. Hỏi ý kiến bác sĩ để điều trị tiếp tục.

*Xét nghiệm theo dõi và đánh giá kết quả điều trị ĐTĐ là HbA1C:
   ĐTĐ là bệnh tăng glucose máu mạn tính, để phân biệt với những trường hợp tăng glucose máu cấp tính, tức thời như đau đớn, rối loạn thần kinh, tâm thần… cần làm xét nghiệm HbA1C. Xét nghiệm HbA1C là một xét nghiệm hiện đại để xác chẩn bệnh ĐTĐ và theo dõi kết quả điều trị. Xét nghiệm HbA1C được coi như "Tiêu chuẩn Vàng" rất có giá trị để theo dõi hiệu quả điều trị và chế độ ăn kiêng của bệnh nhân. Đây cũng là cơ sở để tiên lượng trước các biến chứng có thể xẩy ra.

    Nguyên lý của xét nghiệm HbA1C: Khi nồng độ glucose máu tăng lên, glucose sẽ thẩm thấu vào hồng cầu và gắn với Hemoglobin loại HbA1 tạo thành HbA1C. ở người không bị ĐTĐ tỉ lệ HbA1C từ 4,0-6,2%, nếu tỉ lệ HbA1C >6,2% là có sự tăng mạn tính glucose trong máu. Đời sống của hồng cầu là 120 ngày, như vậy HbA1C không những cho phép xác chẩn bệnh ĐTĐ mà còn theo dõi được bệnh ĐTĐ, phản ánh tình trạng Glucose máu trong khoảng thời gian trước khi xét nghiệm 90 ngày.

   Có thể coi HbA1C là " Đường máu trung bình - eAG ( estimated Average Glucose)  trong 3 tháng", được tính theo công thức sau:   eAG (mmol/L) = 1,59 x HbA1c - 2,59.

   Hiện nay xét nghiệm HbA1C theo phương pháp Sắc ký lỏng Trao đổi Ion ( Phương pháp tiên tiến nhất hiện nay để chẩn đoán và theo dõi Đái tháo đường) đã được triển khai tại Phòng khám Đa khoa Bình Minh.

 

 

Theo Benhhoc.com

Xem thêm :

10 DẤU HIỆU CẢNH BÁO SỚM BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT KHI BỊ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bệnh tuyến Giáp

tin tức nổi bật