Bệnh tuyến Giáp

Tuyến giáp là tuyến nội tiết vô cùng quan trọng của cơ thể, giữ vai trò thiết yếu trong việc chuyển hóa và phát triển. Bất kỳ bất thường nào của tuyến giáp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới người bệnh.

1. Tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp nằm trước cổ, có hình con bướm. Tuyến giáp tiết ra nội tiết tố giáp có tác dụng điều hòa chuyển hóa năng lượng, sự tăng trưởng của cơ thể, sự phát triển hệ thần kinh tâm thần...

2. Cường giáp là gì?
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp bài tiết quá nhiều nội tiết tố giáp làm cho cơ thể tăng hoạt động, ví dụ: tim đập nhanh, thở nhanh, nóng nực...

2.1. Nguyên nhân gây cường giáp?

Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra cường giáp là bệnh Basedow (hay bệnh Grave) do hệ thống miễn dịch của bệnh nhân kích thích tuyến giáp hoạt động quá mạnh tiết ra nhiều nội tiết tố giáp. Một số nguyên nhân khác: bướu giáp đa nhân hóa độc, u độc tuyến giáp, viêm giáp.

2.2. Cường giáp gây ra những biểu hiện gì?

  • Nóng nực
  • Gầy sút cân
  • Hồi hộp trống ngực
  • Nhịp tim nhanh
  • Thay đổi tính tình, cáu gắt
  • Mất ngủ
  • Run tay và yếu cơ
  • Thiểu kinh, vô kinh
  • Tiêu chảy

2.3. Khi uống thuốc trị CƯỜNG GIÁP cần chú ý những gì?

Bác sĩ có thể cho uống thuốc làm tuyến giáp giảm bài tiết nội tiết tố giáp [propylthiouracil, thiamazole (methimazole)] trong thời gian kéo dài khoảng 15 tới 18 tháng
Uống đúng liều theo chỉ dẫn của bác sĩ, tái khám định kỳ
Không nên tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều thuốc khi thấy đỡ
Không nên ăn muối iod hay các thức ăn có nhiều iod (rau câu, rong biển...) trong thời gian điều trị cường giáp.
Ở một số rất ít người dùng thuốc propylthiouracil, methimazole có thể gây giảm bạch cầu làm giảm sức chống đỡ vi trùng, do đó cần phải đi khám lại ngay khi bị đau họng hay sốt

2.4. Có cách trị CƯỜNG GIÁP nào khác ngoài phương pháp dùng thuốc không?
Có thể uống I131 (Iod đồng vị phóng xạ) sẽ tập trung vào tuyến giáp làm phá hủy tuyến giáp nên bài tiết nội tiết tố giáp sẽ giảm. Tuy nhiên không dùng được cho trẻ em và phụ nữ có thai. Về sau có thể suy giáp vĩnh viễn.

Có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp. Tuy nhiên có thể có biến chứng như tổn thương thần kinh gây khàn tiếng, suy giáp...

*Lồi mắt do Basedow có hay gặp không?

30% bệnh nhân Basedow có thể có lồi mắt, gây xốn mắt, chảy nước mắt, viêm kết mạc, nặng có thể loét giác mạc và tổn thương thần kinh thị giác


Lồi mắt do Basedow

3. Suy giáp là gì?
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp giảm bài tiết nội tiết tố giáp làm cho cơ thể ví dụ: tim đập chậm, nhiệt độ cơ thể thấp, tăng cân...

3.1. Nguyên nhân gây suy giáp

  • Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra suy giáp là bệnh viêm giáp Hashimoto do hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bị rối loạn gây ra tổn thương tuyến giáp làm giảm sản xuất nội tiết tố giáp.
  • Thiếu iod
  • Sau mổ cắt tuyến giáp, sau điều trị basedow bằng iod đồng vị phóng xạ
  • Suy tuyến yên làm giảm chất kích thích tuyến giáp
  • Suy giáp bẩm sinh

3.2. Suy giáp gây ra những biểu hiện gì?

  • Mệt mỏi, sợ lạnh
  • Khàn tiếng
  • Tăng cân
  • Yếu cơ
  • Táo bón
  • Phì đại tuyến giáp gây bướu cổ
  • Chậm chạp, ngủ nhiều
  • Rong kinh hay kinh nguyệt ra nhiều
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Da lông tóc móng khô. 

3.3. Khi dùng thuốc trị SUY GIÁP cần chú ý những gì?

  • Bác sĩ sẽ cho bạn uống bù lại lượng nội tiết tố giáp bị giảm bằng viêm thuốc levothyroxin
  • Uống 1 lần mỗi ngày
  • Tái khám định kỳ để bác sĩ điều chỉnh liều thuốc cho đủ
  • Có thể cần phải uống thuốc lâu dài suốt đời
  • Không nên tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều thuốc khi thấy đỡ

*Thuốc levothyroxine uống lâu dài có tác hại gì không?

Nói chung không có tác dụng phụ nào nếu dùng đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ

3.4. Có thể phòng ngừa SUY GIÁP không?
    Nếu chế độ ăn thiếu iod sẽ không cung cấp đủ nguyên liệu cho sản xuất nội tiết tố giáp gây ra suy giáp, có thể kèm theo bướu giáp. Ở những nơi thiếu iod và những người thiếu iod, ăn thức ăn giàu iod, muối iod sẽ phòng ngừa suy giáp

Sưu tầm

Xem thêm: Ung thư Tuyến giáp

Kiểm tra Sức khỏe chuyên khoa Nội tiết (Tuyến Giáp)


Được thành lập năm 1998,  Phòng khám Binh Minh  đã phát triển vượt bậc với nhiều chuyên khoa sâu như: Tim mạch, Thần kinhTiêu hoá, Gan mậtNội tiết -Tiểu đườngThận tiết niệuNam khoaPhụ sảnCơ xương khớpTai mũi họng...

Trong khám Nội tiết – Đái tháo đường có Tiến sĩ, Bác sĩ, Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai; Giảng viên  trường Đại học Y Hà Nội, Tổng thư ký Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam tham gia khám chữa bệnh tại Phòng khám Binh Minh vào sáng Chủ nhật hàng tuần.

tin tức nổi bật