Kiểm soát các biến chứng Tiểu đường nhờ chỉ số “Vàng” HbA1c

  Khi bị tiểu đường, nhiều người nghĩ chỉ cần kiểm soát chỉ số đường huyết là đã an toàn. Nhưng trên thực tế, để kiểm soát bệnh cũng như các biến chứng tiểu đường, người bệnh cần đưa chỉ số HbA1c về ngưỡng an toàn.

   Nhiều bệnh nhân tiểu đường đã có các biến chứng nặng ở tim mạch, thận, mắt... mà không hề biết, nhất là khi thấy đường huyết giảm ở thời điểm thử máu. Nhưng nếu làm một xét nghiệm có tên là HbA1c, họ có thể sẽ hoảng sợ khi biết bệnh vẫn nặng, và đã có biến chứng.

   Giáo sư Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội nội tiết - đái tháo đường, cho biết, bệnh tiểu đường gây biến chứng nặng lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, xuất huyết não do xơ vữa động mạch, hoại tử chân phải cắt cụt, suy thận, mù mắt... Do bệnh phát triển âm thầm nên khi phát hiện bị tiểu đường, 50% trường hợp đã có biến chứng.

   Trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường, người Việt Nam hầu như chỉ để ý đến xét nghiệm đường huyết lúc đói và sau ăn 2 giờ. Chỉ số này cung cấp thông tin về lượng đường trong máu ngay tại thời điểm thử. Do đó, mức đường huyết lúc đó thấp không đồng nghĩa với việc bệnh đã được kiểm soát tốt thực sự và không có biến chứng.


   Để đánh giá đường huyết có được kiểm soát tốt hay không trong một quá trình, và tiên lượng về biến chứng, người bệnh cần làm xét nghiệm HbA1c, tức đo tỷ lệ huyết sắc tố A1c trong hồng cầu. HbA1c là các huyết sắc tố haemoglobin gắn kết với đường glucose trong máu. Càng có nhiều đường trong máu thì HbA1c hiện diện càng nhiều. Do tế bào hồng cầu có tuổi thọ là 120 ngày nên xét nghiệm HbA1c có giá trị thông báo mức đường máu của 3 tháng gần nhất.

   Chỉ số HbA1c được coi là chỉ số “vàng” đánh giá mức độ ổn định đường huyết của người bệnh trong suốt khoảng thời gian 3 tháng gần đây. Từ chỉ số HbA1C có thể tính ra lượng đường máu trung bình. Đường máu trung bình - eAG  trong 3 tháng", được tính theo công thức sau:   eAG (tính bằng mmol / L) = 1,59 x HbA1c - 2,59.

   Do đó, HbA1c không chỉ đánh giá kết quả điều trị của bệnh nhân trong 3 tháng qua mà còn cho biết về sự xuất hiện biến chứng. Chỉ số này cao chứng tỏ bệnh nhân đã hoặc sắp có biến chứng rất nặng. Với người lần đầu phát hiện bệnh tiểu đường, xét nghiệm này rất có ích trong việc đánh giá bệnh đã ở mức nào, điều mà chỉ số đường huyết lúc đói không thể "nói lên" được.

Giá trị xét nghiệm HbA1c

1- Giá trị HbA1C > 6,4 % theo dõi Tiểu đường.

2- Giá trị HbA1C trong khoảng 5,7% - 6,4% theo dõi tiền Tiểu đường.

3- Giá trị HbA1C < 5,7% không bị Tiểu đường.

   Giáo sư Thọ cho biết, hiện chỉ có khoảng 18% số bệnh nhân tiểu đường đang điều trị ở Việt Nam kiểm soát tốt HbA1c. Bệnh nhân chỉ cần thay đổi chế độ ăn trong một vài ngày là đã có thể giảm mức đường huyết lúc đói, nhưng chỉ số HbA1c chỉ giảm khi bệnh nhân tuân thủ chế độ ăn uống, lập luyện, thuốc thang trong vài tháng. Vì vậy, đây là chỉ số trung thực nhất để đánh giá kết quả điều trị.

   HbA1c chỉ cần giảm 1%, bệnh nhân đã bớt được 43% nguy cơ cắt cụt chi, 37% nguy cơ suy thận, mù mắt và giảm đáng kể các biến chứng khác như nhồi máu cơ tim, đột quỵ... bệnh nhân tiểu đường nên làm xét nghiệm HbA1c hai tháng một lần.

   Xét nghiệm HbA1c đã được tổ chức Y tế thế giới WHO và Bộ Y tế đưa vào danh sách các xét nghiệm chẩn đoán và theo dõi điều trị tiểu đường. Đặc biệt xét nghiệm HbA1c thực hiện trên các máy theo phương pháp Sắc ký lỏng cao áp có độ chính xác và tin cậy rất cao được ưu tiên lựa chọn hàng đầu.

Theo SK & ĐS

 

Tham khảo thêm: Một số biến chứng của bệnh Đái tháo đường

tin tức nổi bật