Nguyên nhân và cách xử trí khi bị hạ đường huyết

Đường máu hạ xuống thấp quá mức bình thường lại là một tình trạng cấp tính rất nguy hiểm ở người bệnh đái tháo đường. Nó thậm chí còn nguy hiểm hơn tăng đường huyết rất nhiều, vì có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.

1. Một số biểu hiện của hạ đường huyết

Khi bị hạ đường huyết, người bệnh mệt đột ngột, run, tim đập nhanh, vã mồ hôi, lạnh, ẩm; lo lắng bứt rứt, chóng mặt, đau đầu; cảm giác đói cồn cào.

Rối loạn hệ thần kinh trung ương: Nhìn đôi, lú lẫn, cư xử bất thường, mất trí nhớ, mất tri giác, co giật, dần chuyển thành hôn mê.

Dù tăng đường huyết hay hạ đường huyết cũng đều rất nguy hiểm, do đó, khi được chẩn đoán đái tháo đường, mỗi người bệnh nên có máy đo đường huyết tại nhà để theo dõi.

2. Các yếu tố nguy cơ gây hạ đường huyết

Dùng liều thuốc hạ đường huyết quá cao, quá lâu, không điều chỉnh kịp thời theo tình trạng của bệnh. Người bệnh kiêng khem quá mức; người bệnh không ăn uống nhưng vẫn dùng thuốc hạ đường huyết.

Do uống quá nhiều rượu, nhất là uống rượu mà không ăn gì.

Dùng liều insulin chưa thích hợp.

Người bệnh đang dùng thuốc điều trị các bệnh khác như: cúm, nhiễm khuẩn… hoặc dùng phối hợp nhiều loại thuốc hạ đường huyết với nhau mà theo dõi không kỹ…

3. Cần làm gì khi có biểu hiện hạ đường huyết?

Khi có biểu hiện hạ đường huyết cần nhanh chóng đưa đường huyết lên mức an toàn, tránh nguy cơ tổn thương hoặc tăng đường huyết quá mức. Ngừng ngay các thuốc hạ đường huyết hoặc insulin.

- Với hạ đường huyết nhẹ: có thể ăn bánh, hoa quả, sữa… hoặc bất cứ đồ ăn nào có sẵn trong nhà.

Nếu không đỡ nhưng bệnh nhân tỉnh: uống tối thiểu 15g glucos (3 miếng đường hoặc 3 thìa cafe trong 100ml nước) hoặc 100 - 150 ml nước ngọt (hoa quả, cocacola) có thể làm tăng đường huyết lên 50mg/dl (2,7mmol/l) trong 15 phút. Thử lại đường huyết sau 15 phút. Nếu không đỡ, ngay lập tức bệnh nhân phải vào các cơ sở y tế để điều trị.

- Trường hợp bệnh nhân hôn mê không được cho bệnh nhân uống hay ăn vì rất dễ sặc vào phổi.

Điều trị Tiểu đường đòi hỏi sự điều chỉnh thuốc và chế độ ăn rất hợp lý. Giảm liều điều trị sẽ làm tăng đường máu, tăng HbA1c tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng của bệnh. Nhưng tăng liều điều trị quá mức có thể gây hạ đường huyết rất nguy hiểm, do đó yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên tuân theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc trong việc dùng thuốc và ăn uống hằng ngày, đặc biệt ăn đủ lượng cacbonhydrat, ăn thêm bữa phụ, ăn nhiều rau… Nên tập thể dục thường xuyên và đúng bài bản.

Sưu tầm

 

tin tức nổi bật