Vì sao bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm tra đường máu thường xuyên?

Muốn điều trị thành công bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), khống chế đường máu ở mức bình thường, bạn cần đạt được sự cân bằng giữa lượng thức ăn hàng ngày, mức độ hoạt động thể lực với các loại thuốc điều trị bệnh ĐTĐ. Đường máu được giữ trong giới hạn bình thường sẽ hạn chế sự xuất hiện các biến chứng của bệnh.

Trong thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự cân bằng này, do đó việc khống chế đường máu trong mức lý tưởng là khá khó khăn và có thể cần được điều chỉnh liên tục thông qua chế độ ăn, thuốc điều trị... Muốn vậy người bệnh cần được kiểm tra đường máu thường xuyên. Lợi ích của nó là:

  • Cung cấp cho người bệnh những thông tin chính xác về bệnh ĐTĐ của họ.

  • Hiểu biết rõ hơn về mối tương quan giữa nồng độ đường máu và hoạt động thể lực, các bài tập thể dục thể thao đang thực hiện, những loại thức ăn đang dùng hoặc các yếu tố khác như lối sống, đi du lịch, stress hoặc khi đang bị ốm.

  • Cho biết lối sống đang được lựa chọn, các thuốc đang dùng có hiệu quả đến mức nào đối với ĐTĐ.

  • Phát hiện ngay các trường hợp đường máu quá cao hoặc quá thấp (hạ đường máu), giúp bạn đưa ra những quyết định quan trọng như cần phải ăn thêm trước khi tập thể dục thể thao, điều trị kịp thời hạ đường máu hoặc thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.

  • Cho biết khi nào cần phải xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về cách điều chỉnh liều lượng insulin, thuốc viên hạ đường máu, chế độ ăn... khi không kiểm soát được đường máu trong thời gian khá dài.

1. Tự thử đường máu như thế nào?

Theo những khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội ĐTĐ Mỹ, các bệnh nhân ĐTĐ cần có máy thử đường máu riêng (glucometer) để có thể tự kiểm tra đường máu thường xuyên tại nhà. Kèm theo máy thử là một bút bấm, kim bấm máu và các que thử. Dùng bút bấm kim vào đầu ngón tay, sau đó nặn lấy 1 giọt máu để nhỏ lên que thử (đã được nối một đầu vào máy thử hoặc để ngoài). Thông thường máy sẽ báo kết quả sau 15-30 giây. Kết quả có thể biểu thị bằng đơn vị mmol/l hoặc mg/dl.

Khi nào nên thử đường máu? Khi mới bắt đầu điều trị nên thử 2-4 lần mỗi ngày, thường là trước khi ăn sáng (được coi là lúc đói), trước ăn trưa, trước ăn tối và trước khi đi ngủ. Đôi khi sẽ phải thử thường xuyên hơn như sau khi ăn 2 giờ hoặc nửa đêm, đặc biệt trong những ngày mới thay đổi thuốc, bị ốm hoặc khi có biểu hiện hạ đường máu hay tăng đường máu. Tuy nhiên khi đường máu đã ổn định thì bạn có thể thử thưa hơn, ví dụ 1-2 lần/ tuần.

Bạn có thể mua máy thử đường máu tại các cửa hàng bán dụng cụ y tế. Lưu ý là có rất nhiều loại máy khác nhau, mỗi loại máy lại cần có que thử riêng. Riêng bút và kim chích máu thì có thể sử dụng chung.

Nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc y tá chuyên khoa ĐTĐ để chọn được loại máy thử thích hợp nhất cả về mặt kinh tế cũng như độ tiện dụng... Cũng nên tìm hiểu các thông tin cần thiết như thử đường máu như thế nào, khi nào và ở đâu, có phải thử thường xuyên không? 

2. Mục tiêu kiểm soát đường máu trong giới hạn nào được coi là tốt:

Thông thường các bệnh nhân ĐTĐ nên thử đường máu trước bữa ăn và sau bữa ăn 2 giờ. Nhiều bệnh nhân có mức đường máu lúc đói hoặc trước bữa ăn rất tốt nhưng vẫn bị nhiều biến chứng vì mức đường máu sau ăn của họ lại khá cao. Các nghiên cứu gần đây cho biết là đường máu sau ăn cao có khả năng gây biến chứng gần bằng với đường máu lúc đói cao.

Các bệnh nhân ĐTĐ cần biết:

  • Đường máu quá thấp (hạ đường máu): Đường máu < 2,8 mmol/l.

  • Có nguy cơ bị hạ đường máu: Đường máu < 3,5 mmol/l.

  • Bình thường (tốt): Đường máu trước ăn = 4-6 mmol/l, sau ăn = 4-8 mmol/l.

  • Chấp nhận được: Đường máu trước ăn = 6-7 mmol/l, sau ăn có thể lên tới 11 mmol/l.

  • Cao (không tốt): Đường máu trước ăn > 7 mmol/l, sau ăn > 11 mmol/l.

*Các nguyên nhân làm đường máu dao động (tăng hoặc giảm)

  • Thức ăn: Thay đổi giờ ăn, loại thức ăn, số lượng thức ăn...

  • Tập thể dục thể thao hoặc lao động chân tay.

  • Thay đổi loại, liều lượng thuốc điều trị ĐTĐ.

  • Các stress về tâm lý, tình cảm.

  • Mắc bệnh khác: cảm cúm, viêm phổi, đau dạ dày, tiêu chảy...

  • Uống nhiều rượu bia.

  • Dùng thêm các thuốc khác như thuốc chống viêm giảm đau, thuốc corticoid,...

  • Do thay đổi kỹ thuật thử hoặc do thay máy, giấy thử khác...

3. Phải làm gì khi kết quả thử đường máu có vẻ không chính xác?

Nếu nghi ngờ kết quả đường máu không chính xác, hay đường máu cao hoặc thấp bất thường, nhưng bạn không thấy có biểu hiện gì đặc biệt thì hãy:

  • Kiểm tra xem que thử có quá hạn chưa?

  • Que thử có phù hợp với máy không hoặc đã chỉnh máy theo mã (code) của hộp giấy mới chưa.

  • Lấy máu có đủ không?

  • Đưa que thử vào máy có đúng cách không?

  • Que thử tuy còn hạn dùng nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi khí hậu, nhiệt độ, ánh sáng... Khi đã mở một hộp giấy thử thì chỉ nên sử dụng trong vòng 3 tháng.

  • Kiểm tra ngón tay lúc lấy máu đã khô chưa, có còn dính cồn không?

  • Máy thử có sạch, có bị rơi hay va đập gì không?

  • Kiểm tra pin của máy.

Cũng giống như thử máu tĩnh mạch, kết quả 2 lần thử liền nhau (có khi với cùng một giọt máu) có thể cho kết quả khác nhau, nhưng không được vượt quá 2 mmol/l. Có khuyến cáo là nếu nghi ngờ, bạn nên thử lại ngay bằng một que thử mới và chú ý thực hiện đúng như hướng dẫn.

Thông thường, tất cả các máy thử đều có kèm một lọ dung dịch chuẩn dùng để kiểm tra độ chính xác của máy. Tuy nhiên lọ dịch chuẩn này giá khá đắt, và chỉ có tác dụng trong vòng vài tháng sau khi mở lọ lần đầu tiên, vì vậy nếu nghi ngờ máy không chính xác hoặc có vấn đề trục trặc, bạn có thể liên hệ với văn phòng của hãng sản xuất, nhà phân phối máy tại Việt Nam để được kiểm tra hoặc hướng dẫn kiểm tra.

4. Vai trò của thông số HbA1C

HbA1C là phần cấu trúc hemoglobin (viết tắt là Hb) của hồng cầu. Mỗi khi các tế bào hồng cầu được tủy xương sản xuất và giải phóng vào dòng máu, nó sẽ gắn với một lượng glucose trong máu. Mức độ gắn nhiều hay ít tùy thuộc vào nồng độ đường trong máu tại thời điểm đó cao hay thấp. Do hồng cầu có đời sống khoảng 100-120 ngày nên HbA1C có giá trị đánh giá nồng độ đường máu của bạn trong vòng 3-4 tháng trước đó, và các bác sĩ thường chỉ định làm xét nghiệm HbA1C cho bệnh nhân mỗi 3-4 tháng (tương đương 3-4 lần mỗi năm).

Cần biết rằng việc xét nghiệm đo tỷ lệ HbA1C không giống và cũng không thay thế được cho việc thử đường máu của bạn. Nó chỉ có giá trị theo dõi, đánh giá kết quả điều trị bệnh ĐTĐ chứ không có giá trị để chẩn đoán bệnh. Nói cách khác là xét nghiệm HbA1C cho biết đường máu của bệnh nhân có được kiểm soát tốt và có cần điều chỉnh chế độ điều trị ĐTĐ hay không, nhưng điều chỉnh thế nào lại phải dựa vào kết quả thử đường máu cụ thể. Mục tiêu của điều trị bệnh ĐTĐ là phải đạt được HbA1C ở mức dưới 7%, hoặc có thể hơi cao hơn ở các bệnh nhân ĐTĐ là trẻ em, người cao tuổi hoặc người bị bệnh nặng.

Tóm lại, kiểm tra đường máu hàng ngày hoặc hàng tuần kết hợp với xét nghiệm HbA1C mỗi 3 tháng là 2 biện pháp quan trọng và cần thiết nhất, giúp người bệnh ĐTĐ điều chỉnh và kiểm soát tốt đường máu, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Tốt nhất, người bệnh phải biết cách tự thử đường máu tại nhà bằng máy đo đường máu cá nhân, cũng như biết cách tự điều chỉnh, với sự trợ giúp của thầy thuốc để đạt kết quả như mong muốn.

Theo ThS. Nguyễn Quang Bảy - Giảng viên Đại học Y Hà Nội

Xem thêm: Tại sao phải thường xuyên kiểm tra Đường máu

tin tức nổi bật