Kiểm soát bệnh Đái tháo đường trong Tết Nguyên đán


Trong những ngày Tết, bạn có thể cảm thấy phải ăn nhiều hơn hoặc thưởng thức các món ăn khác nhau khi tham gia các buổi tiệc gia đình và các cuộc họp mặt xã hội. Điều này có thể không tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường vì họ có thể mất kiểm soát chế độ ăn uống thông thường của mình, dẫn đến lượng đường cao hơn, hậu quả là nguy cơ bị biến chứng đái tháo đường tăng lên.

Tại Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đều có từ 5-10 bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu trong những ngày Tết vì đường huyết quá cao, một số bị hôn mê. Để tránh phải đi nằm viện trong những ngày Tết, người bệnh đái tháo đường cần chú ý thực hiện những điều sau:

1. KIỂM TRA ĐƯỜNG MÁU CỦA BẠN THƯỜNG XUYÊN
Người bệnh nên đo đường máu mao mạch ít nhất 2 lần mỗi ngày vào trước các bữa ăn sáng và tối. Ngoài ra họ nên đo thêm bất kỳ khi nào có các biểu hiện của hạ đường huyết (đói, mệt) hoặc khi bị ốm, sốt

2. KIÊN TRÌ DUY TRÌ CHẾ ĐỘ ĂN LÀNH MẠNH: Đồ ăn ngày Tết thực sự là cạm bẫy nguy hiểm với người bệnh đái tháo đường. Họ cần lưu ý:
• Không ăn quá no. Ăn nhiều rau và salad. Ăn cá thay cho thịt. Hoa quả cũng được khuyến cáo tốt cho người bệnh đái tháo đường
• Yêu cầu các đồ uống không đường như nước, trà mạn
• Khi tiếp khách, hãy ăn những loại hạt như hạt điều, lạc rang hơn là ăn bánh kẹo, socola
• Khi đi chơi Tết nhớ mang theo một số bánh để phòng bị hạ đường huyết
• Hạn chế uống rượu mạnh (Wishky hay rượu trắng), nên uống rượu vang với số lượng vừa phải

3. HÃY ĐỂ NGƯỜI NHÀ CỦA BẠN BIẾT VỀ BỆNH TÌNH CỦA BẠN
Mắc bệnh đái tháo đường không có gì đáng xấu hổ. Hãy nói với chủ nhà, gia đình hoặc bạn bè của bạn về điều đó, vì vậy họ sẽ tránh mời bạn ăn bánh ngọt, món tráng miệng hoặc đồ ăn thêm, và bạn cũng sẽ không tỏ ra thô lỗ khi từ chối đồ ăn và thức uống.

4. NHỚ DÙNG THUỐC ĐẦY ĐỦ KHI ĐI THAM QUAN VÀ ĐỪNG BỎ QUA BỮA ĂN
Hầu hết những người bị bệnh đái tháo đường đều dùng viên uống, thường là trong bữa ăn. Tuy nhiên, họ thường ăn vặt khi đi chơi Tết, và có thể bỏ hẳn bữa ăn chính nên cũng bỏ hoặc quên uống thuốc hoặc quên tiêm insulin

5. TĂNG TẬP THỂ DỤC
Tập thể dục làm tăng sự trao đổi chất và cải thiện đáp ứng của cơ thể đối với insulin và sự hấp thụ glucose vào cơ và các cơ quan. Điều này giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Vì bạn có thể ăn nhiều hơn trong ngày Tết nên việc tập thể dục cũng giúp đốt cháy lượng calo thừa.

6. LƯU Ý CÁC DẤU HIỆU NGUY HIỂM
• Nếu lượng đường trong máu của bạn rất cao, đặc biệt là khi bạn bị ốm, bạn có thể gặp các triệu chứng như khát nước, đi tiểu nhiều, đau đầu và hôn mê.
• Đôi khi, lượng đường trong máu của bạn có thể quá thấp, đặc biệt là nếu có khoảng cách dài giữa các bữa ăn. Điều này gây ra các triệu chứng như đói, vã mồ hôi lạnh, run, choáng váng, buồn ngủ và lú lẫn.

Nếu thấy các dấu hiệu trên cần kiểm tra đường máu mao mạch ngay nếu bạn có máy đo đường huyết trên tay. Nếu đường máu dưới 4,4 mmol/L, hãy uống nửa cốc nước trái cây hoặc nước ngọt, hoặc ba thìa cà phê đường, hoặc ba miếng kẹo để nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu lên mức an toàn.
Nếu bạn không cảm thấy tốt hơn, hãy chắc chắn rằng bạn tìm kiếm sự chăm sóc, hỗ trợ y tế ngay lập tức.

Theo TS. Nguyễn Quang Bảy - Giảng viên Đại học Y Hà Nội

Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường - BV Bạch Mai

Xem thêm:

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT KHI BỊ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

LỊCH KHÁM CÁC CHUYÊN KHOA,  LỊCH KHÁM CỦA GIÁO SƯ - TIẾN SĨ

tin tức nổi bật