Một số điều cần biết khi bị bệnh Đái tháo đường

    Người bị đái tháo đường (ĐTĐ) hoàn toàn có thể sống và sinh hoạt như người bình thường nếu được trang bị những kiến thức cơ bản về thực phẩm, cách ăn uống, chọn lựa thực phẩm phù hợp với bản thân mình.

1. NGƯỜI BỆNH ĐTĐ PHẢI LÀM GÌ KHI BỊ ỐM?

1.1. Nếu cảm thấy không được khoẻ hoặc có bất thường thì hãy:

- Kiểm tra ngay đường máu và xeton niệu và sau đó mỗi 2 - 3 giờ lại kiểm tra lại một lần.

- Cố gắng ăn uống bình thường, không bỏ bữa.
- Uống nhiều nước, nước hoa quả... để tránh bị mất nước.
- Sau khi thấy đỡ hơn, hãy cố ăn các đồ ăn nhẹ hoa quả, bánh bích quy...

1.2. Có nên tiếp tục điều trị insulin?

- Tiếp tục tiêm insulin nhưng có thể phải thay đổi liều insulin.
- Kiểm tra Đường máu (ĐM) thường xuyên mỗi 2 - 3 giờ và trước khi tiêm insulin.
- Nếu giá trị ĐM 2 lần liền > 15 mmol/l và/hoặc xê tôn niệu nhiều: phải tăng liều insulin.
- Nếu giá trị ĐM thử lần đầu < 8mmol/l, bệnh nhân nôn nhiều, ăn kém: phải giảm liều insulin.

1.3. Có nên tiếp tục dùng các thuốc uống?

- Thuốc hạ đường máu nhóm sulphonylurea: có thể tiếp tục uống.
- Thuốc Metformin: Nên tạm dừng.
- Trường hợp bị nôn nhiều, sốt cao, ỉa chảy mất nước nặng: tạm ngừng tất cả các loại thuốc ĐTĐ.
- Thuốc tim mạch: Nên tiếp tục dùng.
- Thuốc hạ HA: dựa vào mức HA đo lúc đó.
- Thuốc điều trị rối loạn mỡ máu: tạm ngừng một vài ngày cho đến khi bệnh thuyên giảm.

1.4. Hãy liên lạc ngay với bác sỹ hoặc đưa đến phòng cấp cứu gần nhất nếu:

- ĐM liên tục cao > 15 mmol/l hoặc thử thấy ĐM > 22 mmol/l.
- Bạn bị nôn, khát nhiều, đái nhiều, ỉa chảy, mệt nhiều.
- Bạn bị sốt không rõ nguyên nhân hoặc có các dấu hiệu đặc biệt như đau ngực, sốt cao...

2. ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐTĐ Ở NGƯỜI CAO TUỔI

2.1. Một số đặc điểm của bệnh ĐTĐ ở người cao tuổi:

Đa số là bệnh nhân ĐTĐ týp 2, các triệu chứng của bệnh không điển hình.

Nhiều bệnh nhân có mắc thêm các bệnh mạn tính, suy giảm trí nhớ, hạn chế vận động... ảnh hưởng nhiều đến khả năng chăm sóc, phát hiện biến chứng và điều trị ĐTĐ.

2.2. Một số điểm cần lưu ý khi điều trị bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi:

Mục tiêu đường máu có thể cao hơn: ĐM trước bữa ăn là 6-8 mmol/l và sau ăn 2 giờ là 8 - 11mmol/l.

Hạ đường máu ở người già thường nặng, khó phát hiện nên cần thường xuyên theo dõi đường máu để phát hiện sớm bệnh nhân bị hạ đường máu.

Cần đánh giá kỹ chức năng gan thận khi kê đơn thuốc.

Kiểm soát ĐM ở người cao tuổi có thể rất khó khăn do người bệnh phải điều trị bệnh khác đi kèm bằng những thuốc có thể làm tăng ĐM.

Khi điều trị bằng insulin thì có nhiều trường hợp chỉ cần tiêm một mũi/ngày là đủ, thay vì phải tiêm 2-4 mũi/ngày như các bệnh nhân trẻ tuổi.

Cố gắng kiểm soát thật tốt các bệnh đi kèm như tăng HA, rối loạn mỡ máu...

3. CHUẨN BỊ TỐT CHO NGÀY ĐI KHÁM

3.1. Chuẩn bị trước ngày đi khám bệnh:

- Uống đầy đủ và đúng giờ tất cả các loại thuốc theo đơn. Nếu đã hết thuốc mà chưa đi khám bệnh được thì phải mua tiếp thuốc để uống.
- Thử đường máu ít nhất 3 ngày liên tiếp trước khi đi khám.
- Không thay đổi nhiều chế độ ăn và tập luyện.
- Ghi lại những điều mà bạn muốn hỏi bác sỹ.
- Gọi điện cho bác sỹ hoặc phòng khám để hẹn ngày giờ đi khám.

3.2. Mang theo đến phòng khám bệnh:

- Sổ y bạ để bác sỹ biết được các thuốc bệnh nhân đang dùng.
- Các thuốc đang dùng, kể các thuốc điều trị bệnh khác.
- Sổ ghi kết quả đo đường máu trước đó.
- Thuốc và bơm tiêm insulin để thầy thuốc kiểm tra.

3.3. Nên và không dùng thuốc gì vào buổi sáng ngày đi khám:

- Thuốc hạ đường máu: nếu phải nhịn đói thì không được tiêm insulin và hoặc uống bất kỳ loại thuốc hạ đường máu nào.
- Thuốc hạ huyết áp: Nên uống đúng giờ bác sỹ chỉ định.
- Các thuốc điều trị bệnh tim mạch phối hợp nên uống bình thường.
- Các thuốc hạ lipid máu và các thuốc khác: nên để đến khi khám bệnh xong hãy uống.

3.4. Cần thông báo những gì với bác sỹ:

- Những bệnh mới mắc hoặc mới được chẩn đoán.
- Những dấu hiệu lạ mới xuất hiện như đau ngực, mắt nhìn mờ, tê bì chân tay...
- Các thuốc dùng thêm ngoài chỉ định của bác sỹ.

4. CÓ CHỮA KHỎI ĐƯỢC BỆNH ĐTĐ?

"Bệnh ĐTĐ thường là vĩnh viễn, không khỏi được và cần điều trị suốt đời".

4.1. Những trường hợp nhầm lẫn là khỏi bệnh ĐTĐ:

- Hết các triệu chứng lâm sàng của bệnh ĐTĐ như đái nhiều, khát nước, uống nhiều... nhưng xét nghiệm thấy đường máu vẫn cao ở mức 8 - 12mmol/l nên không có triệu chứng.
- Xét nghiệm đường máu lúc đói thấy kết quả bình thường, kể cả khi đã thử ngưng thuốc. Tuy nhiên đường máu sau ăn vẫn khá cao (cao hơn 11mmol/l) tức là vẫn bị ĐTĐ.
- Đường niệu âm tính nhưng đường máu vẫn cao vì đường máu và đường niệu không liên quan song song với nhau.
- Đường máu giảm nhiều, từ rất cao về gần bình thường... nhưng vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để có thể kết luận là khỏi bệnh (dưới 7mmol/l).
- Bệnh ĐTĐ chỉ tạm thời khỏi trong một thời gian, thường xảy ra ở người "tiền ĐTĐ- giảm khả năng dung nạp glucose" và có bệnh khác làm nặng thêm ĐTĐ; và khi điều trị khỏi bệnh đó thì ĐTĐ cũng tạm ổn. Nhưng sau một thời gian bệnh ĐTĐ xuất hiện trở lại và là vĩnh viễn.

4.2. Khi nào ĐTĐ được chữa khỏi vĩnh viễn:

- Bệnh ĐTĐ týp 1 và ĐTĐ týp 2 hầu như là vĩnh viễn và phải điều trị suốt đời.
- Một số bệnh nhân bị ĐTĐ thứ phát do các bệnh nội tiết hoặc sau dùng một số thuốc corticoid... khi điều trị khỏi các bệnh chính hoặc ngừng corticoid thì bệnh ĐTĐ cũng hết.
- Chữa "khỏi" bệnh ĐTĐ typ 1 bằng phương pháp ghép tuỵ.

Chú ý: Không có bất cứ loại thuốc hoặc phương pháp đông y nào có thể chữa khỏi bệnh đái tháo đường, nó chỉ là hỗ trợ cho điều trị.

Bs.Ts Nguyễn Quang Bảy

Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai


Được thành lập năm 1998,  Phòng khám Binh Minh  đã phát triển vượt bậc với nhiều chuyên khoa sâu như: Tim mạch, Thần kinhTiêu hoá, Gan mậtNội tiết -Tiểu đườngThận tiết niệuNam khoaPhụ sảnCơ xương khớpTai mũi họng...

Trong khám Nội tiết – Đái tháo đường có Tiến sĩ, Bác sĩ, Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai; Giảng viên  trường Đại học Y Hà Nội, Tổng thư ký Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam tham gia khám chữa bệnh tại Phòng khám Binh Minh vào sáng Chủ nhật hàng tuần. 

 

Tham khảo thêm: Người bệnh Đái tháo đường nên có thiết bị Y tế gì trong nhà?

Cách phòng ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường

 

tin tức nổi bật