Tăng acid uric máu là nguyên nhân của viêm khớp gút, một bệnh chuyển hóa đang gia tăng trên toàn thế giới. Nồng độ acid uric bình thường trong máu là dưới 416umol/l và trong nước tiểu là 500 - 800mg/24 giờ. Khi nồng độ uric huyết thanh trên 416umol/l thì gọi là tăng acid uric máu.
Gần đây, các nhà nghiên cứu còn đưa ra nhiều kết luận về sự liên quan giữa tăng acid uric máu với một số bệnh lí chuyển hóa khác như:
- Suy tim: Tăng acid uric máu được tìm thấy ở 60% bệnh nhân nhập viện vì suy tim mạn tính mất bù. Thêm vào đó, tăng acid uric máu liên quan tới tình trạng đề kháng insulin, thiếu ôxy mô, tăng sản xuất cytokine và các gốc tự do có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch.
- Nhồi máu cơ tim: Ở những bệnh nhân tăng acid uric máu có 20,1% bị hội chứng chuyển hóa, trong khi ở bệnh nhân không tăng acid uric máu thì con số này là 15,3%. Đồng thời, tăng acid uric máu có liên quan với tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột tử do tim ở những bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa.
- Tăng huyết áp(THA): Nguy cơ THA cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân có acid uric máu cao trên 400µmol/l so với những người có acid uric máu dưới 200µmol/l. Trong số những bệnh nhân THA không điều trị, hiện tượng suy giảm dòng máu động mạch vành ở người có kèm tăng acid uric máu cao hơn đáng kể so với người có acid uric máu bình thường. Như vậy, tăng acid uric máu liên quan với THA và là một yếu tố nguy cơ độc lập của tổn thương cơ quan đích trong bệnh THA.
- Đái tháo đường: Một số nghiên cứu cho thấy, khoảng 25% những người bị đái tháo đường týp 2 có tăng acid uric máu, nồng độ acid uric máu liên quan trực tiếp với lượng albumin bài xuất ra nước tiểu. Những người đàn ông bị gút có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường trong tương lai.
- Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD): Nồng độ acid uric cao trong huyết thanh có liên quan với tăng nguy cơ phát triển của NAFLD.
- Rối loạn lipid máu: Trong số các bệnh nhân gút có khoảng 20% bị tăng cholesterol và lên tới 40% bị tăng triglycerid máu.
Do đó, những người có acid uric máu cao, dù chưa bị bệnh gút, cũng cần theo dõi chặt chẽ trị số acid uric của mình và tầm soát những bệnh lý chuyển hóa khác có liên quan như nói trên.
Theo Sức khỏe & Đời sống