Tăng huyết áp (HA) là một trong những bệnh có tốc độ gia tăng và gây tử vong nhiều nhất. Ước tính có tới 30% dân số bị tăng HA và đa phần là không rõ nguyên nhân (gọi là tăng HA vô căn, tăng HA nguyên phát hay bệnh tăng HA), những bệnh nhân (BN) này thường phải điều trị suốt đời.
Tuy nhiên theo thông tin từ Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) có từ 5-10% số BN tăng HA là thứ phát do bị mắc một bệnh nào đó, những BN này có cơ may rất lớn được chữa khỏi tăng HA nếu như phát hiện ra và điều trị được bệnh gây ra tăng HA, nhờ đó sẽ giảm được rất nhiều nguy cơ bị các biến chứng nặng như suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não.
Sau đây là một số nguyên nhân gây tăng HA thứ phát thường gặp và cách điều trị.
1. Các bệnh thận
- Bệnh thận do đái tháo đường (ĐTĐ): Mỗi quả thận chứa hàng triệu mạch máu nhỏ đóng vai trò như một máy lọc các chất thải ra nước tiểu. Đường máu cao có thể phá hủy hệ thống lọc này, gây xơ hóa cầu thận dẫn đến suy thận và kèm theo là tăng HA. Điều trị tăng HA bằng chế độ ăn, tập luyện, dùng thuốc hạ HA và tất nhiên là kiểm soát tốt đường huyết. Trường hợp bị suy thận nặng thì sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận. Đa số các BN này cần từ 2-3 loại thuốc mới kiểm soát được HA. Theo các nghiên cứu, có hơn 10% BN đái tháo đường có biến chứng thận và như vậy thì Việt Nam hiện có khoảng hơn 100.000 BN tăng HA do nguyên nhân bệnh thận ĐTĐ.
- Bệnh thận đa nang: Đây là bệnh di truyền trong đó BN có nhiều nang ở thận và có thể cả gan, các nang thận phá vỡ cấu trúc và chức năng bình thường của thận, gây tăng HA. Điều trị cũng có thể bằng chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc, khi có suy thận nặng cần lọc máu hoặc ghép thận.
- Bệnh cầu thận: Quá trình lọc các chất thải và muối natri chủ yếu xảy ra ở cầu thận nên viêm cầu thận sẽ dẫn đến hỏng hệ thống vi lọc này. Nếu viêm cầu thận không được điều trị tốt thì người bệnh có thể bị tăng HA, thường kèm theo hội chứng thận hư hoặc suy thận. Ở Việt Nam, nguyên nhân phổ biến gây viêm cầu thận là do vi khuẩn liên cầu.
- Thận ứ nước: Ở những BN này, một phần hoặc toàn bộ quả thận bị giãn căng do chứa đầy nước tiểu. Nguyên nhân thường do sỏi hoặc dị dạng đường tiết niệu gây tắc đường dẫn nước tiểu. Sự tắc nghẽn này đôi khi gây tăng HA. Về điều trị, đa số các trường hợp cần được phẫu thuật loại bỏ nguyên nhân gây tắc hoặc dẫn lưu nước ở bể thận ra ngoài. Khi đã giải quyết được sự tắc nghẽn thì HA sẽ trở về bình thường.
2. Bệnh nội tiết
- Hội chứng Cushing: Bệnh có đặc trưng là tình trạng cortisol trong máu cao kéo dài (do tuyến thượng thận tăng tiết hoặc do dùng thuốc corticoid) sẽ làm tăng HA. Các triệu chứng ngoài tăng HA là mặt béo tròn, bụng béo, chân tay teo, rạn da... Điều trị có thể là phẫu thuật loại bỏ u thượng thận, u tuyến yên hoặc dùng thuốc ức chế tổng hợp cortisol, hoặc ngừng dùng thuốc corticoid... Khi cortisol máu giảm về bình thường thì HA cũng sẽ trở về bình thường.
- Hội chứng Conn hay u thượng thận tiết nhiều aldosteron: Aldosteron là hormon tuyến thượng thận có tác dụng gây giảm thải trừ muối và nước nhưng lại làm tăng thải kali qua thận. Hậu quả là BN bị tăng HA do tăng khối lượng tuần hoàn, thường kèm theo có liệt hoặc yếu 2 chân do bị hạ kali máu. Điều trị có thể bằng dùng thuốc ức chế tác dụng của aldosteron, hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u thượng thận và/hoặc kiểm soát HA bằng chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc.
- U tủy thượng thận (Pheochromocytoma): Đây là 1 dạng u thượng thận hiếm gặp, trong đó phần tủy thượng thận tiết quá nhiều các hormon như adrenalin và noadrenalin dẫn đến HA tăng rất cao (có thể lên tới trên 200mmHg) và từng cơn. Các triệu chứng đi kèm như nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, đau ngực, đau đầu dữ dội... Điều trị cần phải phẫu thuật cắt bỏ u thượng thận.
- Bệnh to đầu chi: Nguyên nhân là do u tuyến yên có tăng tiết hormon tăng trưởng GH. Bệnh nhân có hình dáng rất đặc biệt như đầu ngón chân, ngón tay to, răng thưa và vẩu, trán dô, cao bất thường... Khoảng 1/3 số BN này có tăng HA.
- Cường chức năng tuyến giáp (thường gọi là cường giáp): Trái ngược với suy giáp, trong bệnh cường giáp tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormon. Thể bệnh cường giáp hay gặp nhất là bệnh Basedow với các triệu chứng như bướu cổ, mắt lồi, run tay chân, gầy sút... Hormon giáp sẽ làm tăng hoạt tính của epinephrin và norepinephrin dẫn tới làm tăng HA. Điều trị cường giáp có thể bằng các thuốc kháng giáp trạng tổng hợp hoặc phẫu thuật hoặc Iode phóng xạ. Một khi BN đạt được bình giáp thì HA sẽ giảm về bình thường.
- Cường chức năng tuyến cận giáp (cường cận giáp): Mỗi người có 4 tuyến cận giáp nằm ở phía sau tuyến giáp. Tuyến cận giáp có kích thước rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa nồng độ calci và phospho trong cơ thể. Khi tuyến cận giáp tiết quá nhiều hormon PTH sẽ làm tăng calci máu, kích thích làm tăng HA. Điều trị phẫu thuật loại bỏ u tuyến cận giáp sẽ làm HA về bình thường.
Tiến sĩ. Nguyễn Quang Bảy - Phó Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường,
Bệnh viện Bạch Mai; Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội