Suy tim được coi là “kẻ giết người thầm lặng” do đây là hệ quả sau cùng của những bệnh lý tim mạch khác. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này lên tới 45% trong tổng số bệnh nhân mới mắc hằng năm.
PGS - TS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Y khoa BV Tim Tâm Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết, tuy chưa có một nghiên cứu chính thức về tỷ lệ mắc bệnh suy tim ở Việt Nam, song theo tần suất mắc bệnh của thế giới, ước tính có khoảng 320 nghìn đến 1,6 triệu người nước ta bị suy tim.
Tần suất bệnh nhân mắc bệnh suy tim mới mỗi năm đang tiếp tục tăng cao. Khoảng 45% số bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng một năm sau khi được chẩn đoán. Suy tim chiếm tỷ lệ tới 10% ở nhóm bệnh nhân nguy cơ cao với độ tuổi từ 70 trở lên.
Suy tim là tình trạng cơ tim mất khả năng bơm đủ máu theo nhu cầu của cơ thể. Đây là bệnh diễn tiến chậm trong nhiều năm mà không biểu hiện triệu chứng. Trong quá trình này, do phải làm việc nhiều hơn để cố gắng cung cấp máu cho các cơ quan nên cơ tim bị giãn ra. Lâu dần, tim sẽ phì đại và cuối cùng bị suy tim với đầy đủ triệu chứng.
Báo cáo khoa học của GS – BS James Januzzi, Đại học Y khoa Harvard và là Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Tim mạch Tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ( Boston, Hoa Kỳ) trình bày trong Hội nghị khoa học thường niên lần thứ tư về các chất đánh dấu sinh học cơ tim, do Hội Tim mạch học TP Hồ Chí Minh kết hợp với Roche Diagnostics tổ chức, cho biết “Suy tim là bệnh đe dọa tính mạng, gây tử vong cho gần nửa số bệnh nhân không may mang căn bệnh này. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể phòng ngừa được và nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì sẽ tăng cơ hội sống cũng như nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân”.
Mặc dù số bệnh nhân bị suy tim ngày càng tăng, nhưng khả năng chẩn đoán vẫn còn nhiều giới hạn do suy tim thường biểu hiện với những triệu chứng không điển hình như khó thở, mệt và phù. Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng thường gặp trong nhiều bệnh khác, đặc biệt là bệnh hô hấp.
Theo GS – BS J.Januzzi: “Khi bệnh nhân than khó thở, bác sĩ khó xác định được đây là triệu chứng của bệnh phổi hay bệnh tim. Nếu không có các phương tiện chẩn đoán khách quan, những yếu tố này làm cho chẩn đoán suy tim không dễ dàng chút nào, và thường nhầm với những bệnh hô hấp. Nhưng bằng cách xét nghiệm nồng độ chất NT-proBNP trong máu không những chẩn đoán chính xác suy tim mà còn giúp phát hiện sớm suy tim ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng”.
Ông giải thích thêm: “Các cách chữa trị bằng thuốc hoặc chế độ sinh hoạt thích hợp có thể rất hiệu quả đối với những trường hợp suy tim nhẹ hoặc trung bình. Tuy nhiên, cần lưu ý một điều là phải bắt đầu điều trị suy tim từ giai đoạn sớm vì khi tổn thương cơ tim đã hình thành ở giai đoạn nặng thì không gì có thể cứu vãn, cuối cùng dẫn đến tử vong”.
Siêu âm tim (echocardiography) hiện đang là phương tiện thường dùng để tầm soát những trường hợp nghi ngờ suy tim. Tuy nhiên, việc chẩn đoán chính xác tùy thuộc vào cơ sở thực hiện và kinh nghiệm của người làm siêu âm. Ngoài ra, siêu âm tim cũng có những hạn chế khi chẩn đoán ở những bệnh nhân béo phì hoặc phù nhiều… Trong khi đó, xét nghiệm NT-proBNP cho kết quả khách quan hơn và có thể thực hiện dễ dàng tại các phòng xét nghiệm trung tâm hoặc trên máy xét nghiệm nhanh tại chỗ.
PGS Phạm Nguyễn Vinh phát biểu: “Ở Việt Nam, hiểu biết của người dân về suy tim còn rất hạn chế. Nguy cơ suy tim tăng lên nếu bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường. Do vậy, việc tầm soát thường quy bằng xét nghiệm NT-proBNP có thể giúp nhóm bệnh nhân này kiểm soát tốt hơn và thậm chí có thể ngăn bệnh.”
Cũng theo PGS Vinh: “Ở Việt Nam, khi bệnh nhân đến khám vì khó thở, thì thường bị chẩn đoán nhầm là bệnh do phổi hơn là do tim. Do đó bệnh nhân nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị xem có cần làm thêm xét nghiệm hay không để giúp loại trừ bệnh chính xác hơn.”
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim bao gồm tăng huyết áp, tăng mỡ máu (cholesterol), đái tháo đường, béo phì, tiền sử gia đình. Những người có một trong những nguy cơ chính này cần được tầm soát thường xuyên bằng xét nghiệm NT-proBNP và tiếp tục theo dõi bằng xét nghiệm này trong trong quá trình điều trị.
GS – BS Januzzi cho rằng: “Ngoài tác dụng phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác suy tim, xét nghiệm NT-proBNP còn hữu ích cho việc hướng dẫn điều trị, từ đó cải thiện kết quả cho bệnh nhân. Xét nghiệm này cũng có thể giúp phòng ngừa suy tim ở những bệnh nhân có nguy cơ, và đo nồng độ NT-proBNP cũng giúp dự đoán biến cố xấu ở bệnh nhân có suy tim mạn tính.”
Suy tim là một trong những bệnh mạn tính có chi phí điều trị tốn kém nhất với những lần nhập viện mà 80% chi phí trực tiếp nằm ở khâu chẩn đoán suy tim. Do đó, theo GS – BS J.Januzzi: “Tiềm năng áp dụng phương pháp điều trị theo hướng dẫn của xét nghiệm NT-proBNP để nâng cao kết quả và giảm chi phí y tế là một bước đi quan trọng sắp tới trong xử trí suy tim.”