Xuất huyết tiêu hóa là cấp cứu nội và ngoại khoa hay gặp, là hiện tượng máu chảy ra khỏi mạch máu mà mạch máu ấy lại nằm trong ống tiêu hóa.
Xuất huyết tiêu hóa gặp cả ở nam và nữ, bệnh hay gặp sau cảm cúm hoặc dùng một số thuốc như aspirin, corticoid, sau các sang chấn tâm lý mạnh... Trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa cấp, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
1. Nhiều người còn chủ quan với xuất huyết tiêu hóa
Với những bệnh về đường tiêu hóa, chúng ta thường chỉ cảnh giác khi có những triệu chứng rõ ràng như đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy chứ ít khi chú ý các dấu hiệu mệt mỏi, khát nước, xanh xao.
Nhiều trường hợp nhập viện muộn suýt mất mạng. Điển hình trường hợp ông T.V.D. (58 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) có triệu chứng nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Tình trạng bệnh chuyển nặng, được người nhà nhanh chóng đưa vào Bệnh viện cấp cứu. Tại đây, sau khi tiếp nhận và thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa. Các bác sĩ tiến hành nội soi, kẹp cầm máu, đồng thời đặt nội khí quản và hồi sức tích cực. Tuy nhiên, tình trạng bệnh quá nặng, bệnh nhân lâm vào tình trạng sốc mất máu, rối loạn đông máu. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị suy hô hấp nặng. Các bác sĩ tiếp tục truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh dịch. Hơn 10 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Tiêu hóa.
Xuất huyết tiêu hóa được xem là một cấp cứu nội khoa nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Ở nước ta, cứ 100.000 người thì có từ 50 - 150 người bị xuất huyết tiêu hóa mỗi năm và tỷ lệ này đang tăng ở Việt Nam và một số nước đang phát triển. Nhiều bệnh nhân không biết mình bị chảy máu tiêu hóa. Khi cơ thể mệt mỏi hay bị choáng váng, bệnh nhân thường tự ý mua thuốc bổ sung sắt ở các nhà thuốc, đi khám bệnh tim mạch hoặc rối loạn tiền đình. Ngay cả khi có những biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đại tiện phân đen, nhiều bệnh nhân cũng thường tự điều trị khiến cho tình trạng bệnh nguy hiểm.
2. Nhóm nguy cơ xuất huyết tiêu hóa
Có rất nhiều nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa. Tùy theo nguyên nhân mà xử trí và điều trị sẽ khác nhau.
3. Lời khuyên của thầy thuốc
Các dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa phụ thuộc vào vị trí và mức độ trầm trọng của bệnh. Vì vậy, ngay cả khi không có bằng chứng xuất huyết, bệnh nhân chỉ có các triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị, đau bụng khi dùng các thuốc có hại cho dạ dày, bệnh nhân xanh xao, hoa mắt, chóng mặt... cũng cần đi khám ngay, đặc biệt là Nội soi để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xuất huyết tiêu hóa là bệnh dễ tái phát nếu không điều trị dứt điểm và có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Để phòng bệnh tái phát, người bệnh tuyệt đối tránh xa thuốc lá và rượu bia, tránh ăn các loại thức ăn gây kích ứng vết loét như: thức ăn nhiều gia vị cay, chua, nhiều dầu mỡ, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, tăng cường chất xơ và rau quả. Cần tái khám định kỳ theo quy định của bác sĩ để việc điều trị đạt hiệu quả.
BS. Nguyễn Thị Phương
Xem thêm: Nội soi Dạ dày, tá tràng và Đại tràng - Những vấn đề cần biết