Bệnh trào ngược Dạ dày – Thực quản

     Bệnh trào ngược Dạ dày – Thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên các chất từ dạ dày lên thực quản, bệnh không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà còn có nguy cơ gây ra những biến chứng nặng nề như loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí dẫn tới ung thư.

1. Nguyên nhân gây bệnh

   Nguyên nhân gây bệnh trào ngược Dạ dày – Thực quản vẫn còn chưa rõ, tuy vậy người ta nói nhiều tới vai trò của cơ thắt thực quản dưới. Các tác nhân làm yếu hoặc gây giãn cơ góp phần gây ra bệnh trào ngược dạ dày – thực quản như: uống rượu, hút thuốc; thức ăn chứa nhiều gia vị, mỡ, cà phê, sôcôla; các tình trạng bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, ở phụ nữ có thai, thoát vị hoành; dùng các thuốc chẹn kênh canxi, theophyllin…

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản, có thể được phát hiện và đánh giá chính xác mức độ bệnh thông qua Nội soi dạ dày tá tràng.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây viêm thực quản, viêm họng kéo dài.

2. Điều trị bệnh trào ngược Dạ dày – Thực quản

Hiện nay có rất nhiều thuốc được đưa vào sử dụng để điều trị bệnh trào ngược Dạ dày – Thực quản:

  • Nhóm thuốc điều hoà vận động
  • Nhóm thuốc làm giảm tác động có hại của trào ngược
  • Các thuốc tạo màng ngăn dạ dày – thực quản
  • Nhóm thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc
  • Ngoài ra còn sử dụng các thuốc kháng acid

   Đặc biệt, bên cạnh việc dùng thuốc thì việc duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh trào ngược Dạ dày – Thực quản:

  • Mỗi bữa không nên ăn quá nhiều, nên ăn làm nhiều bữa, 4 – 5 bữa mỗi ngày, mỗi bữa ăn ít một;
  • Không nên ăn chất lỏng, nên ăn đặc, khô;
  • Sau khi ăn không nên nằm nhiều, ngồi ở tư thế cúi ra phía trước… nằm ngủ ở tư thế đầu dốc cao;
  • Bỏ hẳn một số thức ăn làm giảm trương lực cơ vòng: socola, thuốc lá, cà phê, chất mỡ, nước  có ga;
  • Ăn chậm, nhai kỹ, tránh nuốt hơi vào dạ dày;
  • Không nên dùng một số thuốc làm giảm trương lực cơ vòng dưới thực quản như estrogen, progesteron, anticholinergic, barbituric, ức chế calci, diazepam, theophylin...
  • Chỉ phẫu thuật khi điều trị nội khoa không khỏi và khi có biến chứng nặng nề.

    Sai lầm hay mắc phải của người bệnh là tự ý mua thuốc về dùng, không theo chỉ định của bác sĩ. Cần phải hiểu rằng với mỗi người bệnh có tình trạng bệnh lý cụ thể khác nhau, người bệnh cần được thầy thuốc chuyên khoa Tiêu hóa khám và chỉ định điều trị thích hợp thì bệnh mới mau khỏi, hạn chế được các biến chứng nguy hiểm của bệnh và các biến chứng do dùng thuốc.

Bs Tuấn Anh

 

Mời Tham khảo thêm: 

LỊCH KHÁM CÁC CHUYÊN KHOA

tin tức nổi bật