Bệnh Thận và Thai nghén

Từ lâu, bệnh thận và tăng huyết áp là những yếu tố nguy cơ, đôi khi gây chết người cho cả mẹ và thai nhi.

Ngày nay, phần lớn những phụ nữ có bệnh thận lại có thai, có thể đẻ thường vì y học hiểu biết kỹ hơn các thay đổi sinh lý khi thai nghén và có các phương pháp phòng ngừa, điều trị hữu hiệu các biến chứng thai sản.

1. NHỮNG BIỂU HIỆN BỆNH LÝ THẬN VÀ TĂNG HUYẾT ÁP, HẬU QUẢ CỦA THAY ĐỔI SINH LÝ THẬN KHI CÓ THAI

1.1. Nhiễm khuẩn tiết niệu:
Khi có thai cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu do trương lực giảm và giãn đường bài niệu, gặp ở 5-10% phụ nữ có thai. Có nguy cơ dẫn đến các tai biến sản khoa: đẻ non, thai chết lưu, thai bé … do nhiễm khuẩn máu.

* Nhiễm khuẩn tiết niệu thấp:

  • Dấu hiệu lâm sàng thường gặp là: sốt nhẹ, nhiệt độ <38°C, nổi bật là hội chứng bàng quang: đau dưới gò mu, đái buốt, đái rắt, đái đục, đái khó…

  • Trong nước tiểu có ít protein nhưng nhiều bạch cầu (>10 BC/mm3) và vi khuẩn >105/ml nước tiểu.

* Viêm thận bể thận cấp tính:

  • Dấu hiệu lâm sàng: sốt cao, có thể do nhiễm khuẩn huyết; đau lưng, hội chứng bàng quang; có thể có các triệu chứng khác: đau bụng, rối loạn tiêu hóa…

  • Cần theo dõi các biến chứng: nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, áp xe thận, viêm tấy quanh thận, sẩy thai, thai lưu… Nếu là phụ nữ bị tiểu đường, cần chú ý hơn.

1.2. Tăng huyết áp khi có thai:

Ở phụ nữ bình thường, lúc thai nghén huyết áp trung bình giảm sớm, huyết áp tâm trương giảm khoảng 10mmHg, sự giảm này ổn định từ tháng đầu của thai nghén. Gần ngày sinh, huyết áp trở lại bình thường như trước khi có thai.

* Trong tăng huyết áp và thai nghén, người ta chia ra làm 4 nhóm:

  • Nhóm 1: tiền sản giật (nhiễm độc thai bất thường). Có biểu hiện phù, tăng huyết áp, protein niệu gặp vào 3 tháng cuối ở phụ nữ trẻ có thai lần đầu.

  • Nhóm 2: tăng huyết áp mạn tính, ở đây tăng huyết áp gặp trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng giữa của thời kỳ thai nghén hoặc có thể là biểu hiện của tăng huyết áp tiềm tàng nguyên phát hay thứ phát.

  • Nhóm 3: tăng huyết áp mạn tính kèm theo sản giật.

  • Nhóm 4: tăng huyết áp thoảng qua đơn thuần, tái phát khi có thai hoặc hết sau khi đẻ.

1.3. Nhiễm độc thai nghén:

Người ta phân biệt tăng huyết áp xuất hiện khi có thai không liên quan với các nguyên nhân khác, gọi là tăng huyết áp thai nghén khác với tăng huyết áp có trước (biết hay không biết) và nặng lên khi có thai.

Nhiễm độc thai nghén (NĐTN) hay tiền sản giật là sự phối hợp giữa tăng huyết áp, phù và protein niệu ở 3 tháng cuối của thai kỳ.

Sản giật, đặc hiệu bởi những cơn co giật toàn thân gây nhiều biến chứng trầm trọng làm tử vong cho mẹ và thai nhi.


* Chẩn đoán xác định:

Ở phụ nữ trẻ có thai lần đầu, không có tiền sử tăng huyết áp và không bị bệnh thận, ở 3 tháng cuối kỳ có:

  • Tăng huyết áp > 140/90 mmHg khi đo 2 lần ở tay với tư thế nằm nghiêng trái.
  • Đáy mắt bình thường, có thể thấy phù gai, xuất huyết võng mạc trong thể nặng.
  • Protein niệu từ 1-2 g/24giờ.
  • Phù, khác với phù sinh lý lúc có thai. Phù ở mặt và ở tay là những dấu hiệu gợi ý.
  • Xét nghiệm máu:  Acid uric tăng, có sớm. Quan trọng. Urê tăng. Creatinin tăng.

* Chẩn đoán phân biệt:

Phù sinh lý ở phụ nữ có thai: xuất hiện tăng dần và chậm. Phù chiếm ưu thế ở chân, mặt và tay. Huyết áp bình thường, protein niệu âm tính.

* Tiến triển:

Có biến chứng cho mẹ và thai nhi:

  1. Ở mẹ:
    + Sản giật là biến chứng nặng và đột ngột của NĐTN. Các dấu hiệu: huyết áp > 160/110 mmHg, protein niệu > 5 g/24giờ, thiểu niệu < 500 ml/24giờ, suy thận cấp nhanh, rối loạn thị lực, nhức đầu nhiều, giảm tiểu cầu, đái huyết cầu tố, sản phụ co giật toàn thân sau đó hôn mê. Cần theo dõi chặt chẽ vì có thể gây chuyển dạ sớm.
    + Rau bong non: thường gặp ở phụ nữ không xử lý tốt NĐTN. Dùng siêu âm để phân biệt vị trí nơi rau bong hoặc rau tiền đạo.
    + Tụ máu rau thai: các triệu chứng chỉ điểm bao gồm đau vùng thượng vị cấp, băng huyết, đờ tử cung, trụy mạch, có thể phối hợp với đông máu trong lòng mạch và suy thận cấp. Cần xử trí cấp cứu.

  2. Ở thai nhi:
    - Thai teo, bé lại.  Thai chết lưu. Nhờ siêu âm và đo chiều cao tử cung, nhất là siêu âm 3 chiều để chẩn đoán các biến chứng này. 
    - Đẻ non, trẻ thường nhẹ cân và suy hô hấp.

* Phòng bệnh:

Khám thai định kỳ với: Theo dõi cân nặng, huyết áp, protein niệu của mẹ và sự phát triển của thai nhi: đo chiều cao tử cung, siêu âm.

2. NHỮNG BỆNH THẬN CÓ TRƯỚC NẶNG LÊN KHI CÓ THAI

Khi bị các bệnh trên, cần tư vấn xem người bệnh nên có thai hay không. Khi đã có thai, cần xem xét thận trọng để duy trì thai nghén hay không. Sự hợp tác giữa thầy thuốc nội khoa và sản khoa rất cần thiết trong xử lý tiếp tục hay ngừng có thai ở bệnh lý này.

3. NHỮNG LỜI KHUYÊN VỀ CÓ THAI TRONG MỘT SỐ BỆNH THẬN

3.1. Trong viêm cầu thận cấp tính:

Có thể có thai bình thường nhưng cần theo dõi chặt chẽ về cân nặng, huyết áp và protein niệu, đặc biệt là những tháng cuối của thời kỳ thai nghén.

3.2. Trong hội chứng thận hư nguyên phát: 

Dựa vào diễn biến lâm sàng, sự đáp ứng với điều trị và mức độ suy thận. 

  • Nếu bệnh khỏi hoàn toàn trên 6 tháng và chức năng thận bình thường: có thai được.

  • Nếu bệnh thuyên giảm không hoàn toàn nhưng chức năng thận bình thường hoặc suy thận độ I: có thai được. 

  • Nếu bệnh giảm ít, tiến triển từng đợt và có suy thận từ độ II trở lên: không nên có thai.

3.3. Trong bệnh Lupus ban đỏ hệ thống:

Đa số bệnh nhân Lupus là phụ nữ trẻ, đang ở giai đoạn sinh đẻ. Có thai có thể làm cho bệnh tiến triển nặng lên hoặc người mẹ có nguy cơ tai biến chửa đẻ. Có nhiều yếu tố liên quan với người bị bệnh Lupus có thai. Cần tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

3.4. Trong suy thận mạn tính:

Dù suy thận mạn tính do nguyên nhân gì, viêm cầu thận hay thận đa nang hay sỏi thận, việc có thai ảnh hưởng rất nhiều đến diễn biến của bệnh và người mẹ dễ bị nhiều tai biến.

Các nhà thận học khuyên có thể có thai khi suy thận còn ở giai đoạn I, giai đoạn II nhưng việc theo dõi và điều trị phải được theo dõi và quan tâm chặt chẽ.

Phải không chế được huyết áp, đề phòng được viêm nhiễm. Khi đã bị suy thận cuối giai đoạn II trở đi không nên có thai.

Theo Bệnh học Nội khoa

tin tức nổi bật