Tái khám bệnh và điều trị theo đúng y lệnh là một trong những yếu tố có tính quyết định duy trì sự ổn định của bệnh thận. Ngoài những triệu chứng theo từng bệnh lý thì việc ghi nhớ sự xuất hiện những triệu chứng sau để tái khám là việc rất quan trọng, thậm chí có thể là yếu tố sống còn đối với bệnh nhân.
1. Đau
Đau quặn thận: khởi phát đột ngột, thường đau một bên, vị trí thường gặp là đau hông lưng, hạ sườn, hố chậu, mức độ đau tăng dần có khi rất dữ dội, kéo dài 5-10 phút hoặc kéo dài hàng giờ. Kèm theo có thể là đái máu, sốt cao.
Đau do ứ mủ, ứ nước thận: vỗ vùng hông lưng làm tăng cơn đau.
2. Phù
Phù thận là phù mềm, trắng, ấn lõm
Phù xuất hiện ở mi mắt, mặt sau đó mới xuống chân và toàn thân.
3. Triệu chứng nước tiểu
3.1. Đái ít, vô niệu
Đái ít khi nước tiểu dưới 500 ml/24 giờ hoặc dưới 0.4 ml/giờ
Vô niệu: thận không sản xuất nước tiểu do mất chức năng. Vô niệu hoàn toàn khi một ngày không đái được một giọt nước tiểu nào, siêu âm hoặc thông bàng quang không thấy nước tiểu. Trong khám chữa bệnh (vô niệu lâm sàng) khi lượng nước tiểu dưới 100ml/24 giờ thì phải coi là vô niệu hoàn toàn.
Bệnh nhân suy thận hoặc đang nghi ngờ suy thận cần theo dõi nước tiểu theo hướng dẫn của bác sĩ.
3.2. Đái nhiều
Bình thường: lượng nước tiểu khoảng 1.2 – 1.5 lít / ngày. Có thể nhiều hơn phụ thuộc lượng nước ăn, uống vào.
Đái nhiều bệnh lý khi lượng nước tiểu trên 2.5 lít / ngày, thậm chí 4-6 lít/ngày hoặc 10 lít/ngày.
3.3. Đái máu
Là sự xuất hiện hồng cầu trong nước tiểu. Đái máu đại thể là có thể nhìn thấy máu trong nước tiểu, khi đó số lượng hồng cầu trên 300.000 hồng cầu /ml.
Cần phân biệt giữa đái máu với nước tiểu lẫn máu trong chu kỳ kinh nguyệt (nữ giới).
BS. Đoàn Thoại