Dùng thuốc tùy tiện làm Suy thận

Hai cơ quan làm nhiệm vụ thải trừ thuốc là gan và thận. Riêng thận thải trừ thuốc bằng cách loại bỏ thuốc đã chuyển hóa ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Khi thận tiếp xúc và bài tiết thuốc ra khỏi cơ thể thì chính nó cũng bị thuốc gây những tổn thương hoặc làm suy giảm chức năng. Đặc biệt, nếu dùng thuốc tùy tiện thì càng dễ đưa đến “thuốc làm suy thận”.

1. Thuốc hại thận như thế nào?

Nên lưu ý có rất nhiều thuốc có thể làm hại thận cấp tính hoặc mạn tính. Nguy hiểm ở chỗ là nhiều khi thuốc làm hại thận từ từ, không dễ gì phát hiện từ lúc đầu và đến khi phát hiện thì thận đã bị thuốc làm suy ở mức độ rất nặng, thậm chí phải chạy thận nhân tạo. Thông thường để phát hiện thận bị suy, người ta làm xét nghiệm đo creatinin máu. Nhiều thuốc chỉ mới ảnh hưởng nhẹ đến chức năng thận đã làm tăng creatinin máu, nhưng có nhiều thuốc gây hại thận dần dần mà chẳng có triệu chứng gì, đến khi làm tăng creatinin máu thì ôi thôi, đã làm thận suy rất nặng.
 Các thuốc hại thận có thể kể: các kháng sinh thuộc các nhóm penicillin, cephalosporin, aminoglycosid, sulfamid, quinolon…; các thuốc chống viêm không steroid NSAID; các thuốc lợi tiểu như furosemid; thuốc ức chế men chuyển trị tăng huyết áp như captopril…

Người bệnh đã có tiền sử suy thận thì tuyệt đối không dùng các thuốc độc cho thận khi có thuốc khác thay thế an toàn hơn. Ví dụ không dùng các kháng sinh nhóm aminoglycosid, amphotericin, cisplatin, mesalazin, vàng, các thuốc chống viêm không steroid NSAID, penicilamin và vancomycin… là các thuốc hại thận rất mạnh.

Ngoài gây hại thận và chức năng thận, nhiều thuốc gây những rối loạn liên quan gián tiếp đến thận. Một số thuốc trực tiếp gây giữ nước và do đó có thể gây nặng hơn các biến chứng về tim mạch ở người bị suy thận, như carbenoxolon, indomethacin.

Ở người bệnh suy tim sung huyết,việc tưới máu thận phụ thuộc vào lượng prostaglandin được sản xuất tại thận, dùng thuốc NSAID sẽ ức chế tác dụng tại chỗ của prostaglandin đối với thận gây giảm dòng máu qua thận, giữ nước và làm xấu thêm tình trạng suy tim. Dùng digoxin ở người suy thận nặng, sẽ làm tăng canxi huyết và/hoặc giảm kali huyết.

Dùng các thuốc lợi tiểu giữ kali như amilorid, spironolacton có thể gây tăng kali huyết nặng ở người suy thận. Dùng thuốc kháng tiết cholin như atropin, scopolamin có thể gây rối loạn chức năng bàng quang và đái không tự chủ đối với người có chức năng thận bình thường nói chi đến người yếu về thận. Dùng acetazolamid, vitamin D liều cao, vitamin C liều cao dễ gây đọng tạo sỏi thận - tiết niệu (vitamin C liều cao dùng dài ngày có thể gây sỏi thận oxalat).


Người bệnh có tiền sử suy thận phải rất thận trọng khi dùng thuốc

2. Coi chừng thuốc Nam, thuốc Bắc cũng gây suy thận

Rất nhiều người có quan niệm cho rằng thuốc Đông y còn gọi thuốc y học cổ truyền (bao gồm thuốc Bắc và thuốc Nam) không độc hoặc ít độc hơn thuốc tây y. Quan niệm này có lý do của nó, phần lớn thuốc tây y đi từ con đường tổng hợp của hóa học, tức là những hóa chất ít nhiều độc tính, trong khi phần lớn thuốc Đông y xuất phát từ cây cỏ là sinh chất thiên nhiên dễ hòa hợp với sự sống của con người hơn các chất nhân tạo. Tuy nhiên, quan niệm vừa kể là không đầy đủ đưa đến sử dụng thuốc Bắc và thuốc Nam không đúng, có thể gây tổn hại cho cơ thể nói chung, trong đó gây hại cho thận.

Cần biết rằng, thuốc Bắc, thuốc Nam không chỉ gồm có những vị thuốc bào chế từ cây cỏ hiền hòa không có độc tính, mà còn có cả những vị thuốc rất độc làm từ khoáng chất và từ thực vật. Chưa kể người ta có thể dùng nhầm thực vật rất độc để làm thuốc, như dùng nhầm cây lá ngón và đã tử vong rất nhiều người rất thương tâm.

Trên lâm sàng, người ta đã gặp nhiều trường hợp thuốc Đông y gây tổn hại thận, phần lớn là do dùng thuốc lượng quá lớn hoặcdùng thuốc quá dài ngày mà dẫn đến. Các thuốc dễ hại thận là phụ tử, chu sa, hậu phác… Do dân gian cho rằng uống mật cá có thể “thanh can minh mục”, nên đã có nhiều người bị trúng độc do nuốt mật cá, đưa đến nặng là bị suy thận.

Thời gian qua, còn xuất hiện thêm thông tin thuốc Bắc, thuốc Nam làm bệnh thận nặng hơn. Như nhiều trường hợp mới chỉ bị suy thận chưa đến mức độ phải chạy thận nhân tạo nhưng do không tuân thủ phác đồ điều trị mà người bệnh tùy tiện kết hợp uống thuốc Nam khiến biến chứng suy thận nặng hơn.

Vì luôn luôn có nguy cơ “thuốc hại thận”, nên phải xem việc dùng thuốc là rất hệ trọng. Không được tự ý dùng thuốc bừa bãi, bao gồm thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc. Tốt nhất nên dùng thuốc theo sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

tin tức nổi bật