Hầu như tất cả các dạng của viêm cầu thận cấp (VCTC) đều có tỷ lệ nhất định tiến triển thành viêm cầu thận mạn (VCTM). Tình trạng này được đặc trưng bởi cầu thận xơ hoá không hồi phục, sự tổn thương ống thận và cuối cùng dẫn đến giảm mức lọc cầu thận (MLCT). Nếu bệnh tiến triển và không ngừng lại khi đã thực hiện các biện pháp điều trị thì hậu quả là bệnh thận mạn tính (CKD), bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD) và bệnh tim mạch.
1. Nguyên nhân bệnh viêm cầu thận mạn
Tỷ lệ và quá trình tiến triển từ VCTC đến VCTM có thể khác nhau tuỳ thuộc vào nguyên nhân của VCTC và hậu quả cuối cùng là bệnh thận giai đoạn cuối cần phải điều trị thay thế thận. Trong tất cả các nguyên nhân gây VCTC và đến VCTM thì VCTC sau nhiễm liên cầu và bệnh thận IgA được xem là có một tiến triển tương đối lành tính và tỷ lệ thấp hơn số bệnh nhân tiến triển đến bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối.
Viêm cầu thận tiến triển nhanh(viêm cầu thận với tổn thương cầu thận hình liềm) thì khoảng 90% bệnh nhân tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.
Viêm cầu thận xơ hoá cục bộ: Khoảng 80% bệnh nhân tiến triển đến giai đoạn cuối trong vòng 10 năm. Bệnh nhân có tình trạng xơ hoá cầu thận ác tính dẫn đến sự tiến triển nhanh hơn trong trường hợp này có thể liên quan đến lây nhiễm HIV.
Viêm cầu thận màng: Khoảng 20-30% bệnh nhân tiến triển bệnh dẫn đến VCTM và có suy thận mạn tính (CRF) tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối trong vòng 10 năm
Viêm cầu thận màng tăng sinh: Khoảng 40% bệnh nhân tiến triển bệnh dẫn đến VCTM và có suy thận mạn tính và tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối trong vòng 10 năm.
Bệnh thận IgA: Khoảng 10% bệnh nhân có tiến triển bệnh dẫn đến VCTM và có suy thận mạn tính tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối trong vòng 10 năm.
Viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu: Khoảng 1-2% bệnh nhân tiến triển bệnh dẫn đến VCTM và có suy thận mạn tính tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối trong vòng 10 năm. Trẻ em lớn, người lớn có cầu thận tổn thương hình liềm có nguy cơ cao hơn.
Viêm cầu thận lupus: Khoảng 20% bệnh nhân tiến triển bệnh dẫn đến VCTM và có suy thận mạn tính tiến triển đến bệnh thận giai đoạn cuối trong vòng 10 năm. Những bệnh nhân VCT lupus class IV có thể có suy giảm chức năng thận nhanh hơn.
2. Triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm bệnh viêm cầu thận mạn
Bệnh nhân có thể có các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của VCTC. Sau thời gian tổn thương cấp tính các triệu chứng tiếp tục tồn tại dai dẳng và không đáp ứng với các biện pháp điều trị.
Tuỳ theo bệnh chính là nguyên nhân gây VCTM bệnh nhân có những biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng theo nguyên nhân gây bệnh.
3. Điều trị bệnh viêm cầu thận mạn
Chế độ ăn uống có vai trò đặc biệt quan trọng khi bệnh nhân đã bắt đầu có biểu hiện của suy giảm chức năng thận. Tuỳ từng bệnh nhân sẽ có những chế độ ăn cụ thể nhưng nhìn chung chế ăn uống điển hình là hạn chế đến 2g natri, 2g kali và 40-60 g protein một ngày. Những hạn chế bổ sung thêm có thể được áp dụng cho bệnh nhân có đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá lipid máu và tình trạng quá tải thể tích tuần hoàn.
Suy giảm chức năng thận và tăng huyết áp biểu hiện trầm trọng hơn trong thời gian mang thai ở những bệnh nhân đã có dấu hiệu suy thận, đặc biệt là khi mức độ creatinine huyết thanh vượt quá 200 µmol/L. Điều này dẫn đến giảm khả năng phát triển của thai nhi và tăng tình trạng nặng bệnh của mẹ ở phụ nữ mang thai suy thận. Do đó, phụ nữ có suy thận nên tham khảo ý kiến bác sĩ rất kỹ lưỡng trước khi quyết định mang thai.
Rối loạn chức năng tình dục và mất ham muốn tình dục là phổ biến ở những bệnh nhân bị bệnh thận, đặc biệt là người đàn ông. Bệnh nhân cần được hướng dẫn để có những chỉ định điều trị phù hợp nếu có xuất hiện triệu chứng.
4. Khuyến cáo với bệnh viêm cầu thận mạn
Bệnh VCTM thường có biểu hiện bệnh kín đáo ít triệu chứng rầm rộ nên bệnh nhân thường đến bệnh viện khi bệnh đã quá muộn, đã ở giai đoạn cuối của bệnh thận. Bệnh thường được phát hiện tính cờ khi đi khám bệnh định kỳ hoặc khi đi tìm nguyên nhân của đau đầu, tăng huyết áp, thiếu máu. Do vậy, bệnh nhân nên đi khám sức khoẻ định kỳ để được phát hiện sớm bệnh thận và được điều trị kịp thời.
Những bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh thận, tăng huyết áp, đái tháo đường là những người có nguy cơ cao hơn những đối tượng khác.
Theo Bệnh học.Vn