Viêm tuyến giáp Hashimoto - Bệnh nguy hiểm

Tuyến giáp là một cơ quan thuộc hệ nội tiết, nó sản xuất ra 2 hormon chính là T3 và T4 có vai trò quan trọng trong điều hòa hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể như hệ tim mạch, hệ thần kinh và hệ tiêu hóa... cũng như chuyển hóa các chất carbohydrate, chất béo, chất đạm... Khi bị viêm tuyến giáp mạn tính (viêm tuyến giáp Hashimoto) thường dẫn đến hậu quả là tuyến giáp bị tổn thương dần dần, khả năng sản xuất hormon giáp bị giảm gây suy giáp.

1. Các triệu chứng:

Viêm tuyến giáp Hashimoto có rất nhiều triệu chứng nhưng không có triệu chứng nào là đặc hiệu. Bệnh thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm, tiến triển dần đến suy giáp. Khi đó BN mới thấy có triệu chứng bất thường và chủ yếu là triệu chứng của suy giáp. Các triệu chứng nhiều hay ít, nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mức độ suy giáp. 

Lúc đầu BN thường chỉ thấy mệt, tăng cân nhẹ mà nhiều người nghĩ rằng đó là dấu hiệu của tuổi già. Nhưng khi bệnh nặng hơn thì các triệu chứng nhiều hơn, nặng hơn khiến BN phải đi khám, đó là: Mệt mỏi; Sợ lạnh; Táo bón nặng; Da khô, tái; Mặt phù tròn; Giọng khàn; Tăng cân không giải thích được mặc dù chán ăn, mức độ tăng cân thường từ 5 - 10kg, chủ yếu do giữ nước; Đau cơ, cứng cơ nhất là cơ vai và đùi kèm theo yếu cơ, nhất là cơ chi dưới; Rối loạn kinh nguyệt, thường là rong kinh; Trầm cảm, buồn ngủ; Tuyến giáp thường to (gây bướu cổ) nhưng cũng có thể teo nhỏ nên khi khám tuyến giáp sẽ không phát hiện được gì đặc biệt.

Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ nặng dần và tuyến giáp to lên kèm theo BN hay quên, trí nhớ giảm sút, hoạt động chậm chạp... có thể nhầm lẫn với bệnh tâm thần. Một số BN, nhất là BN lớn tuổi, có thể bị hôn mê do suy giáp (rất nặng). Cũng có những BN được phát hiện bệnh tình cờ khi làm xét nghiệm thấy có mỡ máu cao, điều trị kém hiệu quả. Lúc đó thầy thuốc mới đi tìm nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu và phát hiện suy giáp.

2. Viêm tuyến giáp Hashimoto gây biến chứng gì?

Nếu không điều trị, bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh và gây biến chứng như bướu cổ, bệnh tim mạch, tâm thần kinh, phù niêm và có thể gây dị tật bẩm sinh ở những bà mẹ mắc bệnh Hashimoto mà không được điều trị.

3. Điều trị như thế nào?

Phương hướng điều trị bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto phụ thuộc BN đã có suy giáp hay chưa. Nếu không có bằng chứng của thiếu hụt hormon giáp thì BN không cần điều trị gì nhưng cần tái khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời suy giáp. Cho đến nay chưa có thuốc nào có tác dụng điều trị khỏi bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto.

Với những BN có thiếu hụt hormon (có suy giáp) sẽ được điều trị thay thế bằng hormon giáp tổng hợp, thuốc có cấu trúc và tác dụng giống hệt hormon tự nhiên do tuyến giáp sản xuất ra.

Thường sau khi điều trị một thời gian ngắn, BN sẽ thấy đỡ mệt nhưng để cải thiện hoàn toàn các triệu chứng cũng như kết quả xét nghiệm (T4, TSH, cholesterol...) về bình thường thì phải mất 3 - 6 tháng.

Điều chỉnh liều thuốc: Một khi đã bị suy giáp, các BN viêm tuyến giáp Hashimoto cần điều trị hormon thay thế suốt đời. Để đảm bảo liều thuốc có tác dụng thì BN cần được xét nghiệm đánh giá thường xuyên, có thể là hàng tháng trong thời gian đầu cho đến khi xác định được liều thích hợp và sau đó là hàng năm. Dùng liều thuốc thyroxin cao hoặc thấp quá đều không tốt, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Thường các BN bắt đầu dùng liều thấp rồi tăng dần dựa trên kết quả xét nghiệm. Mục tiêu và cũng là chỉ số điều chỉnh liều thyroxin là TSH máu, tốt nhất là ở mức 0,5 - 2,5 U/l. Bệnh nhân cần nhớ là không nên uống thuốc vào buổi sáng ngày đi khám để xét nghiệm được chính xác.

Theo ThS. Nguyễn Quang Bảy- Phó Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường,
Bệnh viện Bạch Mai; Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội

tin tức nổi bật