Nước tiểu đục có phải là biểu hiện của bệnh Thận?

Nước tiểu của con người là chất thải của các dạng trao đổi chất trong cơ thể được thận bài thải ra ngoài. Thành phần trong nước tiểu có thể ảnh hưởng tới màu sắc và độ trong suốt của nó.

Nước tiểu đục có thể do bệnh tật gây nên, cũng có thể là một hiện tượng sinh lý, phải quan sát tỉ mỉ quá trình thay đổi của nước tiểu mới phán đoán được chính xác.

1. Nước tiểu mới bài tiết ra thì trong, để một thời gian thì đục

Nước tiểu của người bình thường khi mới thì trong suốt có màu vàng nhạt hoặc không màu. Nhưng để một thời gian không lâu, các loại muối trong đó, như muối của axit uric, muối của axit photphoric, muối của axit cacbonic….sẽ bị kết tinh, tách ra, tạo thành phần lắng xuống dưới có màu trắng. Thường các chất cặn nước tiểu ở trong bô hoặc bồn xí đều là các loại muối này tích tụ lại mà thành. Tình trạng đó là một  hiện tượng sinh lý, không phải là một trạng thái bệnh lý.

2. Đái ra nước tiểu đục

 2.1. Nước tiểu có màu sữa:

Có màu trắng như sữa bò, có trường hợp còn có cục ngưng tụ nhỏ đông dính. Nếu nước tiểu có màu trắng sữa tức là bị bệnh ở tuyến limpho. Dịch limpho trong hệ thống limpho của cơ thể có nhiều mỡ, do bệnh phát sinh ở một bộ phận nào đó gây ách tắc, sẽ không chảy trở về được mà trào ra ngoài hệ limpho đi vào hệ thống tiết niệu rồi bài tiết ra ngoài, từ đó tạo ra những hạt đục nhỏ, lơ lửng trong nước tiểu, làm nước tiểu bị sữa hóa có màu trắng sữa. Đó là trạng thái bệnh cần phải đến bác sĩ kiểm tra.

 2.2. Nước tiểu có mủ:

Khi chất đục trong nước tiểu có nhiều tế bào bạch cầu và các mảnh vụn của tổ chức bị viêm thì nước tiểu có màu đục trắng. Phần nhiều là viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra, thường kèm theo hiện tượng đi đái nhiều lần, đi đái vội vàng và đi đái đau…

 2.3. Đái ra nước tiểu trong, nhưng sau khi tiểu có vài giọt nước tiểu đục rỉ ra

Hiện tượng này chỉ gặp ở nam giới, suốt thời gian đái nước tiểu trong nhưng đến cuối cùng có vài giọt nước tiểu đục rỉ ra. Điều này phải dùng kết cấu giải phẫu hệ thống sinh dục tiết niệu của nam giới để giải thích.

Hai bên phía cuối niệu đạo của nam giới có tuyến tiền liệt và túi tinh, cửa ra của hai bộ phận này giao hội nhau ở gần bàng quang và niệu đạo. Do đó khi bài tiết nước tiểu, cơ bàng quang co lại, đặc biệt là thời gian cuối bài tiết dễ chèn ép vào túi tinh và tiền liệt tuyến , khiến các chất tiết ra ở túi tinh và tiền liệt tuyến cũng bị ép ra một chút, mấy giọt nước đục ở cuối tiểu tiện chính là hỗn hợp của nước tiểu, dịch tiền liệt tuyến và tinh dịch.

Khi xuất hiện hiện tượng này, phần lớn là hiện tượng sinh lý, đặc biệt dẽ xuất hiện sau khi nam giới bị hưng phấn. Có một ít trường hợp khi túi tinh và tuyến tiền liệt bị viêm, cũng dễ bị bàng quang co bóp kích thích hơn và làm chảy ra một ít chất tiết từ túi tinh và tuyến tiền liệt. Đó là trạng thái bệnh cần phải kiểm tra.

Như vậy, nước tiểu đục có thể là hiện tượng sinh lý, cũng có thể là hiện tượng bệnh lý. Nếu quan sát kĩ lưỡng toàn bộ quá trình, cung cấp thông tin toàn diện, chính xác, sẽ có tác dụng bổ trợ cho việc chẩn đoán, cũng có thể làm cho bệnh nhân giảm bớt lo sợ. Nếu không, chỉ nói nước tiểu đục đã chẩn đoán thì dễ dẫn đến kết luận sai và phải làm nhiều xét nghiệm không cần thiết, lãng phí thời gian, tiền bạc.

Sưu tầm

*Tìm hiểu thêm: 10 Dấu hiệu của bệnh Thận

 

tin tức nổi bật