Tai biến mạch máu Não

   Tai biến mạch máu não (Đột quỵ) là bệnh thường gặp ở người có tuổi. Bệnh thường để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh, biến họ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

   Trong các thống kê về bệnh tật của OMS, tai biến mạch máu não được coi là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của 54/57 nước có thống kê. Trên 40 nước, tai biến mạch máu não được coi là một trong ba nguyên nhân gây tử vong cao nhất.

1. Định nghĩa Tai biến mạch máu não

Theo Tổ chức y tế thế giới tai biến mạch máu não (Đột quỵ) được định nghĩa như sau:

+ Biểu hiện các rối loạn về chức năng thần kinh như hôn mê, liệt nửa người, nói đớ, nuốt bị sặc. xuất hiện nhanh, đột ngột.
+ Các rối loạn chức năng này thường tồn tại quá 24 giờ.
+ Các khám xét và thăm dò đã loại trừ nguyên nhân sang chấn thương sọ não.
+ Dựa vào tiến triển của bệnh theo thời gian trong 2 đến 3 tuần đầu người ta phân tai biến mạch máu não ra 5 loại như sau:

  • Khỏi hoàn toàn trước 24 giờ: Gọi là thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Hiện nay coi là yếu tố nguy hiểm, không phải là tai biến mạch máu não thực sự. Những người này có thể bị tai biến mạch máu não thực sự sau đó nếu không quan tâm đến việc điều trị và phòng ngừa.
  • Khỏi hoàn toàn sau 24 giờ bị liệt gọi là thiếu máu não có hồi phục.
  • Khỏi một phần và di chứng kéo dài.
  • Không hồi phục hoặc nặng lên liên tục.
  • Tử vong.

2. Tai biến mạch máu não có biểu hiện gì?
   Trên thực tế người bị tai biến mạch máu não có 2 dạng thường gặp là nhũn não (nhồi máu não) và xuất huyết não, cả 2 dạng này đều có những biểu hiện chung sau đây:

  • Rối loạn về tri giác: Có nhiều trường hợp người bệnh vẫn còn tỉnh táo, nhưng đa số là có tri giác giảm sút như: lơ mơ, ngủ gà đôi khi là hôn mê.

  • Rối loạn về vận động: Liệt nửa người, nếu nặng người không tự đi lại được, trường hợp nhẹ người bệnh đi khó khăn khi đi hay bị rớt dép, liệt mặt cùng bên với bên bị liệt, liệt các cơ hầu họng làm cho người bệnh nuốt khó khăn khi ăn uống dễ bị sặc, thức ăn rớt vào đường hô hấp gây nghẹt thở có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Ngoài ra người bệnh có thể bị tình trạng nói khó, hay không nói được, tiêu tiểu cũng không điều khiển được.

3. Nguyên nhân của tai biến mạch máu não

Trên thực tế rất khó xác định nguyên nhân gây ra tai biến mạch máu não, với phương tiện chẩn đoán hiện đại là CT-Scan chúng cũng chỉ có thể xác định được dạng tai biến mạch máu não là nhồi máu não hay xuất huyết não chứ chưa xác định được nguyên nhân gây ra tai biến mạch máu não.

    Về mặt lý thuyết người ta nhận thấy xuất huyết não hay chảy máu trong là do vỡ động mạch ở não (có thể do huyết áp cao làm vỡ động mạch não hoặc do vỡ mạch máu não bị dị dạng bẩm sinh).

   Nhũn não ( nhồi máu não) thường mạch máu não bị tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn này do nhiều lý do trong đó có liên quan đến xơ vữa động mạch, một số bệnh tim mạch tạo ra cục máu đông trong tim theo dòng máu lên não làm tắc động mạch não.

4. Một số vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc người bị tai biến mạch máu não

  • Tình trạng liệt cơ hầu họng làm cho nuốt khó khăn, dễ bị sặc khi ăn uống, gây tai biến hít vào phổi. Trường hợp nhẹ thì viêm phổi, nặng hơn là nghẹt đường hô hấp gây ngừng thở và tử vong. Khi cho ăn thức ăn nên xay nhuyễn, lỏng dễ nuốt nhưng cần nhớ là phải chứa đầy đủ chất dinh dưỡng. Nếu tình trạng ăn quá dễ sặc, bác sĩ sẽ cho đặt ống ăn từ mũi xuống dạ dày.
  • Loét xương cụt dễ xảy ra vì bệnh nhân bị liệt nằm một chỗ, không tự xoay xở được và tình trạng tai biến làm rối loạn thần kinh mạch máu dinh dưỡng da. Vì vậy người chăm sóc nên xoay trở bệnh nhân thường xuyên.
  • Nhiễm trùng phổi hay gặp vì tình trạng liệt làm người bệnh nằm nhiều không thể hít thở sâu được, cộng với sự tiết nhiều đàm nhớt làm cho phổi thường xuyên bị ứ đọng các chất tiết này dễ dẫn đến nhiễm trùng. Để tránh những biến chứng này, người chăm sóc nên đỡ người bệnh ngồi dậy, nhắc người bệnh hít thở sâu và vỗ lưng. Vỗ lưng là việc làm rất đơn giản mà có hiệu quả. Cách vỗ lưng đúng như sau: Đỡ người bệnh ngồi dậy, xếp kín các ngón tay, lòng bàn tay hơi khum, vỗ đều hai bên lưng từ giữa lưng lên hai vai. Tránh động tác sai là xòe bàn tay đánh vào lưng người bệnh.
  •  Đau khớp vai bên bị liệt vì khi ngồi trọng lượng cánh tay kéo khớp vai sệ xuống và khi đỡ ngồi người nhà hay nắm tay bên liệt kéo bệnh nhận ngồi dậy dẫn đến giãn khớp vai. Để tránh biến chứng này, các bệnh nên treo tay bên liệt bằng miếng vải hình tam giác hay dùng một khăn lông lớn. Khi đỡ ngồi thì nâng phía sau cổ không nên kéo tay bên liệt.

5. Phòng ngừa tai biến mạch máu não và phòng ngừa tai biến tái phát

  • Ngừng hút thuốc lá: Thuốc lá là nguy cơ chính của bệnh mạch máu có thể dẫn đến tai biến mạch máu não.

  • Điều trị tốt bệnh cao huyết áp: Cao huyết áp là nguyên nhân chính gây ra xuất huyết não, huyết áp cao cũng là yếu tố làm tăng tốc xơ vữa động mạch tạo thuận lợi cho tình trạng nhũn não.

  • Điều trị tốt Tiểu đường: cũng là yếu tố nguy cơ chủ yếu của mảng xơ vữa động mạch lớn và gây thiếu máu lên não. Tăng cholesterol máu cùng với tăng triglyceride máu cũng thường phối hợp với tai biến mạch máu não. Tăng số lượng hồng cầu trong máu quá cao cũng có thể gây cơn thiếu máu não hay nhồi máu não.

6. Sơ cứu bệnh nhân Tai biến mạch máu não
    LƯU Ý ĐẶC BIỆT: TBMMN là một cấp cứu y tế khẩn cấp. Vì vậy khi phát hiện các dấu hiệu báo động TBMMN, cần chuyển ngay tới các cơ sở y tế gần nhất sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế. Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 - 4,5 giờ đầu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong cửa sổ 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân tai biến nhồi máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng càng cao. 

 Cần gọi người trợ giúp và ngay lập tức gọi xe cấp cứu. Trong thời gian chờ hỗ trợ, cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện các thay đổi bất thường về tình trạng của người bệnh. Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức nào, hoặc bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn.

   Tư thế nằm nghiêng an toàn (hay còn gọi là tư thế hồi sức cấp cứu) là tư thế nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân, cũng lựa chọn tốt nhất trong việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, lưỡi sẽ bị tụt xuống họng, gây cản trở, bít tắc đường thở. Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa và ý thức không hoàn toàn tỉnh táo, sẽ dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi, gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm. Do đó cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên để các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.

Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng còn thở bình thường: Nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa, nhưng cần theo dõi kỹ. Nếu bệnh nhân nôn mửa, cần chuyển ngay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, tránh sặc chất nôn vào đường hô hấp. Lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện.

Nếu bệnh nhân còn tỉnh:
• Hỗ trợ bệnh nhân nằm ở một tư thế thoải mái nhất và theo dõi phản ứng của bệnh nhân.
• Lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện.

Theo Sức khỏe và Đời sống


    Được thành lập năm 1998, Phòng khám Binh Minh đã phát triển vượt bậc với nhiều chuyên khoa sâu như: Tim mạch, Thần kinhTiêu hoá, Gan mậtNội tiết -Tiểu đườngThận tiết niệuNam khoaPhụ sảnCơ xương khớpTai mũi họng...

    Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Trọng LuânP.Trưởng Khoa Thần kinh -  Bệnh viện Bạch Mai, Uỷ viên Ban chấp hành hội Thần kinh học Việt Nam. Lịch khám hàng tuần tại Phòng khám Đa khoa Bình Minh: Thứ 2, 3, 4, 5, 7 từ 8h đến12h.

Xem thêm:

Phân biệt Trúng gió và Đột quỵ  như thế nào?

Dự đoán trước cơn Đột quỵ Não  

tin tức nổi bật