Chứng khó tiêu và cách điều trị

Ai cũng có thể bị chứng khó tiêu, bất kể giới tính và tuổi tác. Khoảng 25% dân số đã từng có một lần bị chứng khó tiêu trong đời mình. 

Ðể điều trị chứng khó tiêu phải bắt đầu từ căn nguyên. Cho đến nay, điều trị nội khoa vẫn là biện pháp ưu việt trong điều trị chứng bệnh này.

1. Các triệu chứng và dấu hiệu của khó tiêu

Chứng khó tiêu biểu hiện bằng cơn đau hoặc cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị. Các cơn đau có thể đến rồi sau đó biến mất, nhưng thường thì chúng xảy ra khá thường xuyên. Các dấu hiệu của chứng khó tiêu là: đau lâm râm hoặc nóng xót ở vùng thượng vị; lình bình đầy hơi; ợ nóng; buồn nôn, nôn. Nếu thấy các dấu hiệu kể trên thì cần đi khám bệnh ngay.

2. Nguyên nhân gây khó tiêu

Khó tiêu thường do loét dạ dày – tá tràng hoặc do bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây ra. Trong bệnh trào ngược, chất acid ở dạ dày trào ngược lên thực quản gây chứng khó tiêu và đau ở ngực.

Cần làm một số xét nghiệm để xác định là loét hay trào ngược.

Một số thuốc men, như các thuốc kháng viêm có thể gây ra chứng khó tiêu. Đôi khi vẫn không tìm được nguyên nhân cụ thể nào gây ra chứng khó tiêu dù đã tiến hành đầy đủ các xét nghiệm để chẩn đoán.

3. Khi nào cần đi khám bệnh?

Đôi khi chứng khó tiêu có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng như một ổ loét sâu ở dạ dày chẳng hạn. Ung thư dạ dày cũng là một nguyên nhân hiếm gặp gây ra chứng khó tiêu. Khi bị khó tiêu, bệnh nhân nên đi khám bệnh sớm, nhất là khi có các yếu tố sau đây: trên 50 tuổi; sụt cân không chủ động; rối loạn nuốt; nôn ói nhiều; đại tiện phân đen; sờ thấy u cục ở vùng thượng vị.

4. Ðiều trị chứng khó tiêu ra sao?

Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân, tuy nhiên điều trị nội vẫn là hướng xử trí thường được dùng nhất.

Nếu nguyên nhân chỉ là do loét dạ dày thì chứng khó tiêu có thể được điều trị dứt điểm. Bệnh nhân cần dùng các thuốc ức chế acid. Nếu có nhiễm vi khuẩn thì phải dùng thêm một số thuốc kháng sinh.

Khi chứng khó tiêu là do thuốc men gây ra thì nên ngừng ngay các loại thuốc đang dùng và thay thế bằng các loại thuốc khác.

Các thuốc trung hòa acid trong dạ dày có thể giúp giảm đau và giảm bớt các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Cần phải nội soi dạ dày nếu:

  • Vẫn còn đau dạ dày sau khi đã dùng thuốc chống khó tiêu được 8 tuần.

  • Cơn đau giảm bớt được một thời gian rồi tái phát lại.

Chú ý các tác dụng phụ của thuốc điều trị chứng khó tiêu:

  • Thuốc dùng điều trị chứng khó tiêu có thể gây tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua. Một số thuốc khiến lưỡi và phân có màu đen. Một số thuốc khác có thể gây nhức đầu, buồn nôn hoặc tiêu chảy.

  • Cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện các tác dụng phụ khó chịu sau khi dùng thuốc điều trị chứng khó tiêu. Có thể cần phải thay thế bằng thuốc khác hoặc áp dụng một số biện pháp nào đó để giúp giảm nhẹ các tác dụng phụ.

  • Cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Phải uống hết các loại thuốc kháng sinh đã được chỉ định, ngay cả khi các triệu chứng đã giảm bớt nhiều.

5. Người bệnh cần làm gì để đề phòng chứng khó tiêu?

Để cảm thấy dễ chịu hơn người bệnh cần phải: bỏ thuốc lá, nếu có hút thuốc; tránh các thực phẩm gây khó chịu tiêu hóa; cố gắng giảm stress trong cuộc sống; nếu bị chứng trào ngược thực quản thì nên tránh ăn ngay trước khi đi ngủ. Nâng cao đầu giường 15-20cm có thể giúp giảm bớt triệu chứng. Đặc biệt là nên tránh dùng các loại thuốc kháng viêm như ibuprofen, aspirin, naproxen…

Sức khỏe & Đời sống

tin tức nổi bật