Trong hoặc sau tuần trăng mật, nhiều cô dâu rơi vào tình trạng ngứa ngáy, đau rát vùng nhạy cảm, đau tức vùng bụng dưới. Vì nhiều lý do, đa số các cô âm thầm chịu đựng hoặc tự mua thuốc chữa bệnh theo lời mách bảo. Chỉ đến khi các triệu chứng rầm rộ xuất hiện như đái buốt, đái rắt, đái máu... mới chịu tìm đến thầy thuốc.
Thực ra đó là biểu hiện của viêm đường tiết niệu, mà phần lớn là viêm bàng quang cấp. Thủ phạm gây ra bệnh này thường là vi khuẩn E.coli, một loại vi khuẩn có trong đại tràng và rất cần thiết trong việc giữ cho đường ruột khỏe mạnh, nhưng khi vi khuẩn này thâm nhập vào đường tiết niệu thì nó lại gây hại. Phụ nữ dễ bị viêm bàng quang gấp 25 lần nam giới, lý do là niệu đạo của phụ nữ (khoảng 4cm) ngắn hơn nhiều so với niệu đạo của nam giới (khoảng 20cm) nên vi khuẩn E.coli dễ thâm nhập hơn.
Triệu chứng của viêm bàng quang cấp rất dễ nhận biết: Người bệnh lúc nào cũng muốn tiểu tiện, đau tức vùng bụng dưới, bỏng rát khi tiểu tiện, nặng hơn thì tiểu tiện ra máu (giống như nước rửa thịt), có thể kèm theo sốt nhẹ...
Để tránh bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nên thực hiện các cách sau:
Uống đủ nước là một phần của chế độ dinh dưỡng hợp lý, lại vừa giúp thải nhanh các chất độc ra khỏi cơ thể. Mỗi ngày chị em nên uống từ 1,5-2 lít nước và hạn chế tối đa các đồ uống có cồn và cafein.
Đừng nhịn tiểu tiện, vì làm như vậy các vi khuẩn có hại sẽ có thời gian và cơ hội gây bệnh. Hãy tiểu tiện trước và sau khi sinh hoạt tình dục để loại bỏ nhanh các vi khuẩn gây bệnh. Trước khi sinh hoạt tình dục phải vệ sinh cơ thể sạch sẽ (rất nhiều phụ nữ, nhất là những người trẻ tuổi thường bị viêm bàng quang sau khi sinh hoạt tình dục là vì những lý do này).
Không nên sinh hoạt tình dục khi đang bị viêm bàng quang, việc đó có thể làm bệnh nặng hơn và bạn có thể làm bệnh lây cho chồng.
Chỉ dùng xà phòng, nước vệ sinh... để rửa bên ngoài bộ phận sinh dục, tuyệt đối không rửa bên trong, vì sẽ làm nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Tốt nhất tắm rửa và vệ sinh vùng kín bằng vòi xịt hoặc vòi hoa sen. Sau khi tắm và bơi, phải lau khô vùng kín và mặc quần áo khô.
Thay băng vệ sinh thường xuyên khi đến kỳ kinh, vì băng vệ sinh là con đường cho vi khuẩn thâm nhập vào niệu đạo và bàng quang. Nên dùng quần lót bằng vải sợi bông, tránh sợi tổng hợp vì nó cản trở sự thông thoáng và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn, nên dùng băng vệ sinh khô thoáng, thấm hút nhanh.
Đặc biệt các ông chồng phải thực hiện vệ sinh sạch sẽ trước khi sinh hoạt, vì tất cả những trục trặc kể trên cũng là do sự mất vệ sinh từ phía đối tác. Ở những phụ nữ dùng màng tránh thai, nhưng đặt không đúng cách cũng dễ bị viêm bàng quang, vì màng này sẽ ép lên niệu đạo. Nếu bạn thường xuyên bị bệnh này tấn công, hãy nói với bác sĩ để tìm một biện pháp tránh thai phù hợp.
Khi sinh hoạt vợ chồng, nhất định phải vệ sinh vùng kín trước và sau khi gặp nhau, sau đó phải lau khô bằng khăn vải bông. Sau khi sinh hoạt vợ chồng, tốt nhất nên đi tiểu để loại bỏ các vi khuẩn được đưa vào niệu đạo và bàng quang.
Với những bệnh nhân bị viêm bàng quang cấp, liệu pháp kháng sinh sẽ giúp ngăn chặn bệnh một cách có hiệu quả nhất. Thế nhưng, cũng chính loại thuốc này sẽ diệt cả vi khuẩn có lợi, từ đó làm đảo lộn sự cân bằng của các vi sinh vật trong cơ thể, tạo điều kiện cho sự nhiễm khuẩn âm đạo. Vì vậy, khi sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm bàng quang, phải tuyệt đối thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc hay ngừng thuốc đột ngột khi thấy bệnh thuyên giảm, vì làm như thế vi khuẩn sẽ nhờn thuốc và rất dễ bị viêm bàng quang mạn tính.
Bên cạnh việc dùng thuốc kháng sinh, thầy thuốc cũng sẽ cho bạn dùng một số thuốc bổ trợ khác. Hầu hết các thuốc này đều được điều chế từ dược thảo, có tác dụng diệt vi khuẩn hoặc tăng sức đề kháng cho cơ thể. Bệnh viêm đường tiết niệu cũng là bệnh dễ bị mắc lại nên việc ăn uống để phòng bệnh rất quan trọng. Bạn nên uống nhiều nước để bàng quang được “rửa”, tránh sự tăng sinh của mầm bệnh, mỗi ngày nên uống 1,5-2 lít nước. Thói quen ăn cam, chanh, bưởi thường xuyên cũng giúp bạn phòng viêm đường tiết niệu hữu hiệu.