HPV không chỉ gây ung thư cổ tử cung mà còn nhiều bệnh nguy hiểm khác nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vắc-xin và xét nghiệm tế bào cổ tử cung, âm đạo.
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh gây chết người thứ hai trong các loại ung thư ở phụ nữ, do HPV (Human Pappilloma Virus) gây ra, đặc biệt HPV tuýp 16, 18 “chịu trách nhiệm” hơn 70% các trường hợp. Hiện trên thế giới có 630 triệu người nhiễm HPV và mỗi ngày có 750 phụ nữ (hơn 400 người ở châu Á) chết vì căn bệnh này, tại Việt Nam là 9 phụ nữ mỗi ngày.
Mới đây, Văn phòng đại diện MSD và Hội Y học dự phòng Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội nghị về vắc-xin phòng ngừa các bệnh do HPV gây ra. Hội nghị đã cung cấp thông tin bổ ích về những căn bệnh do HPV và nêu bật tầm quan trọng của việc tăng độ phủ vắc-xin trong cộng đồng.
1. Rất nguy hiểm cho thai phụ
PGS-TS Trần Thị Lợi, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Sản Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết số người nhiễm HPV trên thực tế rất nhiều. Trong 1 triệu phụ nữ thì có 1.600 người bị ung thư cổ tử cung do HPV. Nếu thai phụ nhiễm HPV có tổn thương như sùi mụn cóc… khi sinh con qua đường âm đạo, bé sẽ bị lây nhiễm. Người nhiễm HPV thường không có triệu chứng, virus tồn tại lâu dài và âm thầm.
Như mọi loại virus khác, HPV sẽ bị hệ miễn dịch đào thải nhưng với những người thường xuyên bị stress, cơ thể suy yếu hay nhiễm siêu vi… thì hệ miễn dịch không đủ sức “chiến đấu” và HPV sẽ có cơ hội hoành hành sớm hơn.
Mối liên hệ giữa HPV và ung thư cổ tử cung mạnh hơn gấp 7 lần mối liên hệ giữa hút thuốc lá và ung thư phổi, 5,2% tất cả các loại ung thư là do HPV gây ra. Có người nhiễm HPV sẽ xuất hiện u nhú trong thời gian ngắn, cũng có người lâu sau mới phát hiện và không ít trường hợp virus cứ tồn tại âm thầm. Các dạng lâm sàng của bệnh liên quan HPV ở nữ gồm: mụn cóc sinh dục, đa bướu gai hô hấp tái diễn, tân sinh trong biểu mô và ung thư âm hộ, tân sinh trong biểu mô, ung thư hậu môn, một vài ung thư hầu họng (lưỡi, amiđan, họng và khẩu cái mềm).
Nam giới cũng không tránh khỏi HPV. Dùng bao cao su không thể ngăn ngừa vì chỉ cần tiếp xúc với vùng da tổn thương là có khả năng lây nhiễm. Các dạng lâm sàng của bệnh liên quan HPV ở nam gồm: mụn cóc sinh dục, đa bướu gai hô hấp tái diễn, tân sinh trong biểu mô và ung thư dương vật, tân sinh trong biểu mô và ung thư hậu môn, một vài ung thư hầu họng (lưỡi, amiđan, họng và khẩu cái mềm).
2. Nên tiêm ngừa
Người trưởng thành thường không có thời gian quan tâm đến việc tiêm ngừa và gặp một số rào cản từ người cung cấp dịch vụ sức khỏe, gia đình, bản thân, tác động kinh tế đồng thời cũng chưa có khuyến cáo chính quy từ Nhà nước. Tuy nhiên, hiện chưa có tiêu chuẩn vàng điều trị khi nhiễm HPV nên phòng ngừa là quan trọng nhất.
Tiến sĩ Cao Hữu Nghĩa, Trưởng Khoa Phòng khám của Viện Pasteur TPHCM, cho biết đến nay đã có hơn 20 loại vắc-xin khác nhau, chưa kể vắc-xin kết hợp. Năm 1986, vắc-xin ngừa virus viêm gan siêu vi B ra đời được xem là vắc-xin ngừa ung thư đầu tiên. Vắc-xin ngừa HPV (ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo và mào gà sinh dục) được xem là vắc-xin thứ hai ngừa ung thư.
PGS-TS Trần Thị Lợi xác nhận: “Vắc-xin ngừa HPV ra đời mang lại cho phụ nữ cơ hội phòng các bệnh nguy hiểm do HPV gây ra”. Tại hội thảo, GS Marc Steben (Canada) đã giới thiệu một số ca nhiễm HPV với hậu quả khủng khiếp. Ông phân tích rằng thay vì chịu đựng nỗi ám ảnh của HPV, chúng ta chỉ cần tiêm 3 mũi, nhất là khi vắc-xin tứ giá ngừa 4 tuýp HPV ra đời. Trong tương lai sẽ có vắc-xin 9 giá và việc tiêm ngừa được mở rộng, mang lại hiệu quả bảo vệ rộng rãi cho cộng đồng.
3. Không tiêm ngừa khi mang thai
Khi tiêm ngừa HPV nên tiêm trước khi quan hệ tình dục thì sẽ tốt hơn, không cần xét nghiệm trước khi tiêm, không nên rút ngắn thời gian giữa các mũi tiêm vì hiệu quả có thể không chắc chắn.
Vắc-xin chưa được phép dùng khi đang mang thai nên nếu đã tiêm 2 mũi đầu và chưa tiêm mũi thứ ba thì hãy chờ sinh xong và có thể tiêm ngay mà không sợ ảnh hưởng đến việc cho con bú. Để tránh tiêm khi mang thai mà chưa biết, bạn nên tiêm ngay sau ngày hành kinh.
Không tiêm lại, ngay cả khi các mũi cách nhau 6-7 năm. Thời gian tối thiểu giữa mũi 2 và mũi 1 là 4-6 tuần, giữa mũi 3 và mũi 2 là 3 tháng (lưu ý chỉ có quy định về thời gian tối thiểu chứ không có thời gian tối đa giữa các mũi); người đã nhiễm một tuýp HPV vẫn nên tiêm ngừa để ngừa các tuýp khác. So với phòng ngừa thứ phát (sau tiếp xúc) thì phòng ngừa nguyên phát (trước khi tiếp xúc) luôn rẻ, hợp lý, tốt và hiệu quả hơn.
Theo Sức khỏe và dinh dưỡng