Sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Máy soi cổ tử cung là một phương tiện vô cùng hữu hiệu trong việc khám phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, một trong những ung thư đứng hàng đầu ở phụ nữ hay mắc phải.

1. Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung (CTC) xảy ra khi các tế bào CTC bắt đầu phát triển ngoài sự kiểm soát của cơ thể, xâm nhập vào mô xung quanh và lan tràn khắp cơ thể.

Ung thư CTC đứng đầu trong các ung thư sinh dục nữ, nếu phát hiện sớm, việc chữa trị rất đơn giản và khỏi bệnh hoàn toàn.

2. Test PAP là gì?

Phương pháp phát hiện đơn giản và hiệu quả nhất để phát hiện sớm ung thư CTC là xét nghiệm tế bào học còn gọi là test PAP (Papanicolaou).

Bác sĩ khám CTC, dùng que bẹt bằng gỗ hoặc bàn chải nhỏ lấy tế bào ở CTC, phết lên lam kính, nhuộm Papanicolaou. Bác sĩ giải phẫu bệnh đọc dưới kính hiển vi để phát hiện các bất thường.

Mục đích của test PAP là tìm những tế bào bất thường, tế bào ung thư hay phát hiện các bệnh lý khác như viêm nhiễm do vi khuẩn, virus HPV, nấm, trùng roi v.v.

3. Cần làm test PAP khi nào?

Phụ nữ cần làm test PAP 3 năm 1 lần kể từ 3 năm sau quan hệ tình dục lần đầu; 1 năm 1 lần sau 40 tuổi.
Cần thử test PAP ngoài kinh nguyệt, tốt nhất vào ngày thứ 10 đến ngày thứ 20 của chu kỳ kinh.

*Bệnh nhân cần chuẩn bị để cho xét nghiệm có độ chính xác cao:

  • Không làm xét nghiệm này vào ngày có kinh

  • Không thụt rửa âm đạo trong vòng 48 giờ trước khi xét nghiệm

  • Không quan hệ tình dục trong vòng 48 giờ trước khi xét nghiệm

  • Không đặt nút gạc, các loại bọt, keo tránh thai hoặc các loại kem, thuốc đặt âm đạo trong vòng 48 giờ trước khi làm xét nghiệm.

4. Soi cổ tử cung là gì?

Soi cổ tử cung là khám cổ tử cung và âm đạo bằng máy soi có nguồn chiếu sáng và phóng đại 2-25 lần để nhìn được rõ các tổn thương. Có thể soi cổ tử cung kết hợp chấm acid acetic hoặc dung dịch lugol. Qua máy soi có thể quan sát bề mặt cổ tử cung, vùng chuyển dạng, hệ thống mạch máu, mô đệm một cách chi tiết qua đó có thể phát hiện được những vùng bất thường.

*Soi cổ tử cung được sử dụng để:

  • Đánh giá các tổn thương tiền ung thư và ung thư

  • Xác định mức độ lan rộng của tổn thương

  • Hướng dẫn cho sinh thiết các vùng nghi ngờ bất thường

  • Hỗ trợ định vị cho việc đốt lạnh, khoét chóp.

TS, BS. Tạ Văn Tờ - Trưởng khoa Giải phẫu bệnh - Tế bào, Bệnh viện K

tin tức nổi bật