Việc kiểm tra đái tháo đường thai kỳ sẽ được khuyến cáo với tất cả phụ nữ mang thai ở Singapore, không riêng gì những người có nguy cơ tiểu đường cao.
Tuyên bố này được đưa ra tại Hội nghị Tiểu đường khi mang thai đầu tiên ở Singapore do Đại học Sản phụ khoa Singapore (COGS) tổ chức ở Bệnh viện Nhi và Phụ sản KK vào thứ Sáu tuần trước 1/2019.
Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế ước tính, trên thế giới, cứ bảy ca sinh thì có 1 trường hợp bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ.
Đái tháo đường thai kỳ là một dạng tiểu đường xuất hiện ở những phụ nữ mang thai mà cơ thể không thể sản xuất hoặc sử dụng insulin - hoocmon vận chuyển glucose vào tế bào và biến nó thành năng lượng.
Những người mẹ mắc căn bệnh này có thể bị huyết áp cao, sinh non hoặc tăng nguy cơ thai nhi chết non.
Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore, TS Amy Khor, khách mời danh dự của hội nghị cho biết: ‘Những người mẹ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cũng có nguy cơ mắc tiểu đường cao trong tương lai.’
Hơn nữa, những đứa trẻ sinh ra sau này có thể bị béo phì và tiểu đường tuýp 2. Riêng ở Singapore, tiểu đường là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra bệnh tật và tử vong.
Em bé có mẹ mắc tiểu đường (bên trái) và em bé được sinh bởi người mẹ không mắc tiểu đường (bên phải)
Còn ở Việt Nam, theo ghi nhận tại một số bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, nếu như khoảng 20 năm trước tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ chỉ khoảng 2 - 3%, thì nay đã lên đến 14 - 15%.
Riêng tại Bệnh viện Hùng Vương, trong năm 2016 đã tầm soát cho 19.000 thai phụ và phát hiện gần 3.000 trường hợp mắc đái tháo đường thai kỳ, chiếm 15%.
Theo khuyến cáo, thai phụ nên kiểm tra tiểu đường vào khoảng tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ. Dựa trên kết quả của một nghiên cứu trên 23.000 sản phụ tại Châu Âu, Châu Á và Canada, được báo cáo tại Hội nghị ĐTĐ châu Âu tháng 9/2010 ở Thụy điển, một tiêu chuẩn chẩn đoán mới đã được áp dụng tại nhiều nước để hạn chế các nguy cơ cho thai nhi, theo đó các ngưỡng đường huyết lần lượt là 5,1 mmol/l (khi đói), 10,0 mmol/l (sau 1h) và 8,5 mmol/l (sau 2h).
Trước đây, ở Singapore, chỉ những phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc tiểu đường cao: trên 35 tuổi, chỉ số khối lượng cơ thể lớn và gia đình có tiền sử tiểu đường được khuyến cáo kiểm tra tiểu đường thai kỳ.
Sự thay đổi trong chính sách này là kết quả của đợt thử nghiệm thành công năm ngoái do Bệnh viện Nhi và Phụ sản KK tiến hành.
Từ tháng 1/2016 đến nay, cuộc thử nghiệm cho thấy số ca đái tháo đường thai kỳ tăng 20%.
Hơn nữa, việc phát hiện sớm sẽ giảm chi phí điều trị đái tháo đường thai kỳ sau này vì các bác sỹ có thể lập phác đồ điều trị cần thiết, giảm các biến chứng do căn bệnh này gây ra.
Được biết, ở Mỹ, từ năm 2014, tất cả phụ nữ mang thai đã được khuyến cáo kiểm tra đái tháo đường thai kỳ.
Nếu được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ, bệnh nhân cần được điều trị bằng việc kết hợp chế độ ăn kiêng, tập thể dục vừa phải, theo dõi đường huyết cũng như lắng nghe chỉ dẫn của các chuyên gia.
Sưu tầm
Xem thêm: Chẩn đoán, phòng và điều trị bệnh đái tháo đường thai kỳ