Uống nhiều rượu sẽ có hại cho sức khỏe, điều này thì ai ai cũng biết, và chẳng những gây hại cho bản thân mình, rượu còn gây tổn hại về nhiều mặt vật chất, tình cảm với mọi người xung quanh.
Rượu và các bệnh lý ở gan
Uống nhiều rượu sẽ có hại cho sức khỏe, điều này thì ai ai cũng biết, và chẳng những gây hại cho bản thân mình, rượu còn gây tổn hại về nhiều mặt vật chất, tình cảm với mọi người xung quanh. Ngày nay các nhà khoa học đã tìm ra nhiều bằng chứng chứng minh rằng nếu uống quá nhiều rượu sẽ tổn hại đến nhiều cơ quan trong cơ thể con người từ hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ nội tiết, đặc biệt là hệ tiêu hóa gan mật. Thế thì rượu, bia sẽ gây tác hại đến gan như thế nào ? Bài nói chuyện hôm nay sẽ giúp quý vị và các bạn sáng tỏ điều này.
1.Rượu là gì ?
Rượu là các loại thức uống có chứa cồn được chế biến dưới nhiều dạng khác nhau:Bia, nước giải khát có gaz, rượu đế, rượu nếp than, rượu thuốc, các loại rượu đóng chai trong và ngoài nước…
Về mặt khoa học rượu là một dung dịch gồm nước và cồn (trong đó cồn chiếm từ 1% đến 50% tính theo thể tích, vì vậy được gọi là rượu từ 10đến 500 ), ngoài các thành phần chính trên rượu còn chứa một lượng nhỏ các chất riêng biệt của mỗi nhà sản xuất nhằm tạo nên mỗi loại rượu một màu sắc, một hương vị đặc thù riêng. Như vậy thành phần chính và cũng là tác nhân chính gây ra hậu quả tai hại của rượu là cồn Ethylic. Sau khi uống rượu vào cơ thể, sẽ có hai hiện tượng sinh lý cùng xảy ra trong cơ thể, đó là sự hấp thụ rượu nhanh chóng vào cơ thể và sự nỗ lực của cơ thể để đào thải rượu ra bên ngoài.
2. Rượu được hấp thu vào cơ thể như thế nào ?
Khi uống rượu vào cơ thể, nó được hấp thu nhanh trực tiếp vào máu với 20% hấp thu tại dạ dày và 80% tại ruột non, sau 30-60 phút toàn bộ rượu được hấp thu hết. Tốc độ hấp thu của rượu vào máu sẽ chậm hơn nếu dạ dày có thức ăn, hoặc dạ dày hoàn toàn rổng. Ngược lại nếu rượu được uống cùng lúc hoặc xen kẽ với các loại thức uống có gaz như sodo, coca v.v… tốc độ hấp thu rượu vào máu sẽ gia tăng và làm người uống sẽ mau say hơn.
Sau khi hấp thu, rượu được chuyển hóa chủ yếu tại gan (90%). Một lượng nhỏ rượu còn nguyên dạng (khoảng 5-10%) thải ra ngoài qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu.
Mức độ hấp thu rượu vào cơ thể tùy thuộc vào từng loại rượu, nồng độ rượu, lượng thức ăn trong dạ dày, thể trạng người uống…
Sau khi được hấp thu, rượu vào máu và phân tán đến khắp các mô tế bào và các cơ quan trong cơ thể.
3.Cơ thể chúng ta đào thải rượu ra bên ngoài như thế nào?
Cơ thể sẽ bắt đầu hoạt động đào thải rượu ra ngoài cơ thể ngay khi được hấp thu vào máu. Một phần nhỏ được thải ra qua các đường: tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở (làm cho hơi thở người uống nồng nặc mùi rượu). Phần lớn số lượng rượu còn lại (khoảng 90% hay nhiều hơn) sẽ được chuyển hóa ở gan để thành những chất không độc đào thải ra ngoài cơ thể. Đây chính là khả năng: chuyển hóa giải độc rượu của gan. Do vậy, nếu người uống rượu uống với số lượng quá nhiều, bị quá chén, thì gan không kịp chuyển hóa giải độc rượu nữa. Khi đó rượu sẽ bị ứ lại trong cơ thể và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng trong cơ thể, đặc biệt là gan là cơ quan bị ảnh hưởng tác hại nặng nề nhất.
4. Rượu gây tác hại trên gan như thế nào?
Rượu gây nhiều tác hại trên gan, Đây là bộ phận bị tác động nhiều nhất bởi bia rượu làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh gan. Càng uống nhiều rượu và càng uống lâu dài thì càng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trên gan. Một trong những căn bệnh dễ thấy nhất là bệnh xơ gan mãn tính. Dấu hiệu của bệnh này là buồn nôn, sưng khớp, đau ở bụng, mệt mỏi. Chứng khó tiêu, đầy hơi trong một số trường hợp chỉ là những rối loạn tiêu hóa cấp thời, có thể tự khỏi hoặc chỉ cần điều trị với vài loại thuốc điều trị triệu chứng thông thường. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp khác đầy hơi, khó tiêu lại là biểu hiện của những tổn thương thực thể của các bệnh lý gan giai đoạn đầu nếu cứ coi thường, bỏ qua, không khám & điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Thống kê từ các bệnh viện cho thấy số bệnh nhân phải nhập viện để điều trị bệnh xơ gan do uống rượu quá nhiều có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Khoảng ¼ số bệnh nhân nằm tại khoa Tiêu hóa là xơ gan. Rượu là thủ phạm gây xơ gan đứng hàng thứ 2 chỉ sau vi-rút viêm gan B. Bệnh nhân xơ gan thường tử vong do các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, suy kiệt nặng, ung thư gan…
5. Các bệnh lý gan do rượu thường gặp là:
5.1. Gan nhiễm mỡ do rượu
Là tình trạng mỡ tích tụ trong các tế bào gan do rượu gây ra làm suy giảm chức năng gan. Rượu gây độc trực tiếp cho gan, khi uống vào được chuyển hóa ngay tại gan thành những hạt mỡ choán chỗ tế bào gan bình thường gọi là gan nhiễm mỡ, là giai đoạn đầu của xơ gan.
Quá trình tích lũy mỡ trong gan là do rượu làm giảm quá trình oxy hóa acid béo ở gan, tăng vận chuyển & este hóa acid béo tạo thành trigliceride, ngoài ra rượu còn làm giảm tổng hợp & bài tiết lipoprotein ở gan.
Khi gan nhiễm mỡ thường bệnh nhân không có triệu chứng gì chỉ phát hiện bệnh do tình cờ được kiểm tra bằng siêu âm bụng, một số ít có thể có cảm giác mệt mỏi, đầy hơi, khó tiêu, nặng tức ở vùng hạ sườn phải, xét nghiệm máu có thể có tình trạng tăng men gan, tăng triglyceride.
Nếu cai rượu ngay tại thời điểm này gan có thể bình phục hoàn toàn, không gây ra viêm gan & xơ gan.
5.2 Viêm gan do rượu:
Là tình trạng bệnh lý tổn thương lan tỏa ở gan do rượu gây nên biểu hiện bởi tình trạng thâm nhiễm tế bào viêm ở gan & hoại tử tế bào gan, lâu dài sẽ dẫn đến xơ gan.
Trong giai đoạn này thường không có triệu chứng rõ rệt, đôi khi người bệnh chỉ cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, nặng tức vùng hạ sườn phải, đau khớp, đau cơ, ngứa ngáy khắp người, hoặc chỉ phát hiện tình cờ qua xét nghiệm máu, qua siêu âm, hoặc sinh thiết gan.
Ở giai đoạn này nếu kịp thời ngưng rượu ngay, ngưng rượu tuyệt đối cũng có thể giúp gan phục hồi hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn.
5.3. Xơ gan do rượu:
Là giai đoạn cuối của quá trình viêm gan mạn do rượu, trong đó mô gan được thay thế dần bằng các mô xơ làm thay đổi cấu trúc bình tường của gan dẫn đến suy giảm nhiều chức năng quan trọng của gan.
Do gan có khả năng bù trừ rất tốt, chính vì vậy trong giai đoạn đầu các triệu chứng thường không rõ rệt, bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường chỉ có vài rối loạn nhỏ cần lưu ý sau đây: cảm thấy mệt nỏi, chán ăn, ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu, sợ những thức ăn nhiều dầu mỡ, nặng tức ở vùng hạ sườn phải, vú to teo tinh hoàn ở nam, rối loạn kinh nguyệt ở nữ… Một số trường hợp bệnh nhân thấy lòng bàn tay đỏ bừng ở ngoài rìa gọi là lòng bàn tay son, hoặc có những chấm đỏ rải rác ở ngực, bụng như hình hoa thị gọi là dấu sao mạch.
Giai đoạn muộn hơn các triệu chứng biểu hiện rõ (vàng da vàng mắt, nước tiểu vàng, bụng to ra, chân phù, suy kiệt, da sạm đen, chảy máu nhiều nơi trong cơ thể). Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và kịp thời bỏ rượu vẫn có cơ hội để cải thiện bệnh, ngăn ngừa các biến chứng gây nguy hiểm cho tính mạng.
Thường bệnh nhân sẽ tử vong vì các biến chứng (xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, hôn mê gan, suy thận cấp, nhiễm trùng nặng, suy kiệt nặng, ung thư gan).
5.4. Ung thư gan:
Là một loại ung thư phát triển từ các tế bào gan, thường phát triển trên nền gan xơ.
Giai đoạn đầu khi kích thước khối u còn nhỏ thường không có triệu chứng gì, chỉ có thể phát hiện sớm bằng xét nghiệm máu, siêu âm, CT, MRI.
Giai đoạn muộn hơn kích thước khối u lớn, triệu chứng lâm sàng rõ rệt (mệt mỏi, ăn uống kém, suy kiệt, sụt cân, bụng to ra, vàng da vàng mắt, đau vùng hạ sườn phải, đi cầu ra máu, nôn ra máu…). Ở giai đoạn này hiệu quả điều trị vô cùng hạn chế.
* Tóm lại, rượu bia gây nhiều tác hại cho gan từ gan nhiễm mỡ đến viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Diễn tiến của bệnh kéo dài nhiều năm, giai đoạn đầu thì không có triệu chứng rõ ràng nên bệnh nhân không để ý, cho đến khi bệnh có những dấu hiệu rõ ràng như vàng da, vàng mắt, bụng to, chân phù, chảy máu… thì bệnh đã ở giai đoạn trễ, làm hạn chế hiệu quả điều trị. Do vậy, những người thường hay uống rượu bia cần phải theo dõi sức khỏe định kỳ để được chẩn đoán và điều trị sớm các tổn thương ở gan. Tuy nhiên, để phòng ngừa các tổn thương ở gan do rượu thì tốt nhất là phải hạn chế lượng rượu bia vào cơ thể, tức là không uống quá 1-2 ly bia hoặc 1 chung nhỏ rượu (độ 50 ml) mỗi ngày, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, cẩn thận khi dùng thuốc và nên khám sức khỏe định kỳ.
Bia rượu làm giảm lượng máu cung cấp đến tay và chân. Bên cạnh đó, bia rượu kéo dài còn có thể dẫn đến đột quỵ và tổn thương não. Nghiện rượu kinh niên là một trong hai nguyên nhân dẫn đầu gây ra tổn thương não. Nó làm cho não người co rút lại. Điều này làm cho các tế bào não chết dần đi, tác động đến trí nhớ, thính giác, khứu giác, thị giác, hormon...
Phụ nữ có thai uống nhiều bia rượu có thể tác động xấu đến bào thai. Bào thai có thể sẽ không nhận được oxi và chất dinh dưỡng. Ngoài ra, thai nhi còn có thể bị dị dạng do tác dụng của bia rượu, chẳng hạn dị dạng ở mặt, các cơ quan khác, hoặc chậm phát triển trí tuệ.
Các độc chất trong bia rượu tác động vào các vi khuẩn trong đường ruột, làm giảm sút khả năng hấp thụ chất béo, cacbon hydrat, protein, axit folic và vitamin B12. Rượu muốn được chuyển hoá bình thường trong cơ thể nhất định cần đến sự góp mặt của một lượng lớn vitamin B. Do đó, nếu uống nhiều rượu, bia trong thời gian dài sẽ khiến cho lượng vitamin B của cơ thể bạn rơi vào tình trạng cung không đủ cầu. Ngoài ra, bia rượu còn làm tăng nguy cơ dị ứng với thức ăn cũng như làm giảm khả năng đề kháng.
Nghiện bia rượu là căn bệnh làm cơ thể con người suy kiệt. Càng điều trị sớm thì càng có kết quả. Uống bia rượu ở một mức độ nhất định thì không gây tác động xấu đến sức khỏe con người. Nhưng nếu bạn dùng quá nhiều thì có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Kiểm soát lượng bia rượu được đưa vào người chính là cách hạn chế những tác hại của nó đối với sức khỏe.
Sức khỏe và Đời sống