Người trực tiếp phơi nhiễm với hơi hoặc các hợp chất của thủy ngân, ở gần khu vực bị ảnh hưởng hoặc có các dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân nên đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra chính xác tình trạng của mình.
1. Dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân
Thủy ngân là một kim loại độc, đặc biệt khi ở dạng hợp chất hay dạng hơi. Nhiễm độc thủy ngân có thể do nhiều nguyên nhân, vì thế triệu chứng có thể khác nhau đôi chút.
Trong trường hợp bệnh nhân bị phơi nhiễm do hít phải khói độc có thủy ngân, chất độc đồng thời tấn công vào cả hệ hô hấp, não, gan và cả hệ thần kinh. Triệu chứng có thể xuất hiện chỉ trong vòng vài giờ sau đó. Biểu hiện đầu tiên khi bị nhiễm độc do hít phải hơi thủy ngân là khó thở, tức ngực. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau bụng, choáng váng, sau đó nôn mửa, chân tay tê yếu, sốt, tiểu ít dần và biến chuyển thành suy thận.
2. Ai nên đi xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân?
Bác sĩ khuyên người ở khoảng cách xa đám cháy, không hít hơi nóng nên nguy cơ thấp, không nhất thiết đến viện kiểm tra. Nguy cơ ngộ độc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nồng độ khói, thời gian tiếp xúc, không gian rộng hẹp, tuổi tác...
Tuy nhiên, ngộ độc thủy ngân không có cách thải độc tự nhiên hay thải độc tại nhà.
Trong một số trường hợp phổ biến dưới đây, người dân cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị thải độc kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra:
2.1. Người trực tiếp phơi nhiễm với các dạng thủy ngân
Những người phơi nhiễm trực tiếp với các dạng hợp chất, hơi thủy ngân là đối tượng đầu tiên cần đi khám, xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân. Thủy ngân trong môi trường nóng sẽ bốc hơi, tạo thành các dạng hợp chất độc hòa vào không khí nên nguy cơ ngộ độc cao hơn bình thường.
Chẳng hạn như khi trong trường hợp chữa cháy thì người trực tiếp chữa cháy, người dân ở khu vực ngay cạnh, người có phận sự phải ở gần như cán bộ đến chỉ đạo, phóng viên,... thì nên đi kiểm tra mức thủy ngân trong máu.
Sơ cứu bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân tại chỗ bằng cách nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi môi trường gây ngộ độc, cởi bỏ quần áo nếu trên da có dính thủy ngân, rửa bằng nước sạch, rửa mắt nếu có tiếp xúc vào mắt... Sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện kiểm tra thận, phổi, gan, máu, đường hô hấp.
Một trường hợp phơi nhiễm với thủy ngân lỏng hay gặp đó là khi bị vỡ nhiệt kế thủy ngân tại nhà. Trong trường hợp này, cần nhanh chóng di chuyển mọi người, đặc biệt là trẻ em ra khỏi khu vực có thủy ngân. ĐIi găng tay hoặc bọc tay bằng nilon để thu gom các hạt thủy ngân lại, tránh gây nóng làm bốc hơi thủy ngân sẽ gây độc.
Nếu không may trẻ em nuốt phải thủy ngân lỏng của nhiệt kế, thì cha mẹ không nên quá lo lắng. Thủy ngân hấp thu không đáng kể qua đường tiêu hóa (khoảng 0.01% qua ruột khỏe mạnh), có thể bị đào thải ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên sau vài ngày nếu hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn phải đưa trẻ em đến trung tâm y tế để kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong thời gian chờ đến viện nên cho trẻ uống thêm nước.
2.2. Người có phơi nhiễm (gián tiếp) với nhiễm độc thủy ngân cấp và có biểu hiện
Khi ở gần khu vực có phơi nhiễm với thủy ngân mà có các biểu hiện như đau đầu, cay mắt mũi, ho, tức ngực, khó thở,... thì người dân nên đến bệnh viện xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân.
Trên thực tế, những biểu hiện ban đầu của nhiễm độc thủy ngân có thể giống với biểu hiện bệnh do các nguyên nhân khác. Đặc biệt trong trường hợp nghi ngờ phơi nhiễm với hơi thủy ngân do đám cháy, thì tức ngực hay khó thở ở bệnh nhân còn có thể do hít phải khí CO, các hợp chất của lưu huỳnh gây kích ứng đường hô hấp và đau đầu. Tuy nhiên, dù là do nguyên nhân nào, bệnh nhân cũng không nên chủ quan. Tốt nhất là đến bệnh viện kiểm tra tình trạng của mình để có biện pháp xử lý kịp thời trong trường hợp cần thiết.
Trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân mạn, điển hình nhất là các trường hợp ăn nhiều hải sản bị nhiễm độc thủy ngân hữu cơ, thì các biểu hiện ngộ độc như run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân và căng thẳng tâm lý,... cũng có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh khác. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên đi khám để biết chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.
2.3. Nếu ở xa khu vực nguy hiểm
Những người ở xa, không tiếp xúc gần với khu vực phơi nhiễm, nhiễm độc hay khu vực cháy có hơi thủy ngân và không có cảnh báo nguy hiểm thì không nhất thiết phải đến bệnh viện xét nghiệm gây tốn kém chi phí không cần thiết.
Hơn nữa, trong một số trường hợp cháy có hơi thủy ngân, vẫn còn có các khí độc khác có thể gây ngộ độc với triệu chứng tương tự nhau nên người dân cần bình tĩnh, nếu có các dấu hiệu bất thường của cơ thể thì mới cần phải đi kiểm tra.
Sưu tầm
Tham khảo thêm:
LỊCH KHÁM CÁC CHUYÊN KHOA - LỊCH KHÁM CỦA GIÁO SƯ, TIẾN SĨ