Có khoảng 25% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng xuất huyết trong thai kỳ. Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau tùy vào thời điểm diễn ra. Nếu gặp phải tình trạng này, các thai phụ cần có sự tư vấn của nhân viên y tế vì có thể nguy hại đến sức khỏe.
1. Xuất huyết vào đầu thai kỳ có thể là dấu hiệu của sự sảy thai
Vào đầu thai kỳ, việc xuất huyết có thể không nghiêm trọng, thông thường là do có những tổn thương nho nhỏ ở cổ tử cung. Thế nhưng, trong gần 1/2 các trường hợp, đó có thể là dấu hiệu sảy thai, thường do có liên quan đến sự bất thường của nhiễm sắc thể. Như vậy, việc xuất huyết là một điều khiến thai phụ nên chú ý.
2. Những nguyên nhân nào khác có thể gây xuất huyết?
Phần lớn các trường hợp bị xuất huyết là dấu hiệu của việc thai phụ có thai ngoài tử cung. Nguyên nhân là do phôi thai làm tổ trước khi di chuyển đến được tử cung, thông thường nhất là làm tổ ở một trong hai bên vòi trứng. Siêu âm thai có thể giúp phát hiện được tình trạng này.
Các nguyên nhân khác, thường hiếm gặp hơn, đó là sự nhiễm trùng, có hư tổn ở cổ tử cung mà không biết trước khi mang thai, hoặc mang thai trứng.
3. Trường hợp xuất huyết xảy ra trong thai kỳ
Trong thai kỳ việc xuất huyết thường ít khi xảy ra. Nhưng nếu xảy ra xuất huyết vào thời điểm giữa thai kỳ, đây có thể là dấu hiệu của nguy cơ sinh non.
Nếu xuất huyết xảy ra vào cuối thai kỳ, đó có thể là dấu hiệu của việc chuyển dạ, hoặc còn là trường hợp bánh rau đặt sai vị trí (rau tiền đạo), sẽ khiến cho việc sinh nở bằng đường tự nhiên gặp khó khăn
Nguyên nhân sau cùng, rất hiếm khi gặp: đó là tình trạng bong rau đột ngột - bánh rau bong tróc ra khỏi thành tử cung đột ngột khi chưa đến lúc chuyển dạ. Khi có những dấu hiệu của tình trạng rau bong đột ngột, nhân viên y tế thôn bản cần tư vấn, hướng dẫn thai phụ đến khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị thích hợp, kịp thời.
4. Nên làm gì khi bị xuất huyết lúc mang thai?
Nếu bị xuất huyết khi mang thai, thai phụ cần có sự tư vấn của bác sĩ ngay lập tức, đặc biệt là vào giai đoạn đầu của thai kỳ. Điều này rất cần thiết để xác định xem việc xuất huyết như vậy có gây nguy hiểm cho bạn không. Nhân viên y tế thôn bản cần tư vấn thai phụ nhanh chóng đến khám tại đúng bác sĩ chuyên về sản phụ khoa. Trong những trường hợp quá khẩn cấp, bạn có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa tổng quát, hoặc nên gọi cấp cứu để được xử trí kịp thời.
5. Những trường hợp nào cần được điều trị?
*Thai ngoài tử cung: Trường hợp này thường sẽ được phẫu thuật khẩn cấp để bảo vệ vòi trứng. Tuy nhiên, nếu thai phát triển chưa lớn, việc điều trị có thể bằng thuốc.
*Nhiễm trùng: Các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng kháng sinh.
*Dọa sinh non: Thai phụ sẽ được chỉ định nghỉ ngơi kèm theo điều trị bằng thuốc chống các cơn co thắt tử cung.
*Các trường hợp khác: Các thai phụ cần phải được theo dõi việc mang thai một cách chặt chẽ, đúng theo quy định để biết những dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra khi mang thai, từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn và có hướng điều trị thích hợp, kịp thời, tránh những nguy cơ xảy ra đối với mẹ và thai nhi.
Theo SKĐS