Phòng khám Bình Minh xin gửi tới các bạn thông tin về một số nguyên nhân thường gặp gây sẩy thai để các bà mẹ, các thai phụ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai phòng tránh.
Sau mỗi lần sẩy thai, thai chết lưu hay thai đẻ ra chết, phụ nữ thường có nhiều băn khoăn: vì sao, làm gì để phòng ngừa, có phải do lỗi của mình, liệu có xảy ra nữa không? Rất tiếc là nguyên nhân sẩy thai thường khó tìm, đến cả thầy thuốc nhiều khi cũng không thể giải thích, nhất là với trường hợp sẩy thai sớm.
Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp, từ phổ biến nhất đến hiếm gặp nhất:
1. Bất thường về nhiễm sắc thể:
Nếu là lần sẩy thai đầu tiên - cho dù đã từng có con trước đây hay là lần có thai đầu tiên thì cũng chỉ do sai lầm ngẫu nhiên của nhiễm sắc thể khi thai phát triển. Không thể dự đoán trước những sai lầm này và thường không tái phát ở lần thai nghén sau. Không thể phòng ngừa được nhưng may mắn là hầu hết những cặp vợ chồng bị sẩy thai lần đầu vì lý do này vẫn có thể có thai bình thường sau này.
2. Tử cung hay cổ tử cung có vấn đề:
Làm giảm cơ may có thai bình thường. Bất thường về cấu trúc có thể bao gồm: có vách ngăn ở tử cung - tử cung có sẹo để lại từ lần mổ trước - hở eo cổ tử cung (cổ tử cung không đóng kín).
3. Bệnh rối loạn đông máu:
Ở phụ nữ bị bệnh rối loạn đông máu, sẩy thai sau 10 tuần thường do bệnh rối loạn đông máu thuộc hội chứng kháng phospholipid. Cần gặp thầy thuốc để được tư vấn khi có bệnh rối loạn đông máu.
4. Mất cân bằng về hormon:
Một số thầy thuốc tin rằng mất cân bằng hormon có thể gây ra sẩy thai tái diễn nhưng vấn đề này còn đang có nhiều ý kiến trái ngược, nếu đã từng có thai trên một lần thì cần trao đổi với thầy thuốc về nồng độ hormon.
5. Những nguyên nhân do gen:
Một số phụ nữ và nam giới mang gen biến dị “thầm lặng”, không gây vấn đề gì cho họ nhưng có thể tăng khả năng sẩy thai.
6. Nhiễm khuẩn:
Mọi loại nhiễm khuẩn đều có thể gây sẩy thai, từ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai cho đến các bệnh do thực phẩm đem lại như nhiễm khuẩn do Listeria, Salmonella...
Một trong những yêu cầu của chăm sóc trước sinh sớm là phải làm các tetst phát hiện nhiễm khuẩn và điều trị càng sớm càng tốt.
7. Những nguyên nhân khác:
Nghề phơi nhiễm với hóa chất: thuốc trừ sâu và nhiều hóa chất làm từ dầu hỏa tăng nguy cơ sẩy thai. Phụ nữ làm việc với hóa chất hay có bạn tình thường xuyên tiếp xúc hóa chất đều có thể tăng nguy cơ bị sẩy thai.
Có cách nào để giảm nguy cơ tái diễn sẩy thai? Rất tiếc không có nhiều liệu pháp dành cho phụ nữ đã bị sẩy thai tái diễn. Thường chỉ khuyến cáo theo dõi sít sao về lâm sàng và bằng siêu âm. Từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá và kiểm soát các bệnh mạn tính.
Sau sẩy thai tùy thuộc vào thời gian hỏng thai mà nên tránh có thai từ 3 - 6 tháng.
Sưu tầm
Xem thêm: 6 Nguyên tắc bà bầu không được bỏ qua