Cảnh báo về vô sinh thứ phát

Vô sinh thứ phát là căn bệnh thời hiện đại và tỷ lệ các cặp vợ chồng mắc bệnh ngày càng tăng.

Những phụ nữ có tiền sử nạo hút thai, nhất là khi thai nhi lớn và thực hiện thủ thuật ở những nơi không có điều kiện đảm bảo rất dễ bị vô sinh thứ phát. Vô sinh thứ phát đang được coi là căn bệnh thời hiện đại khi tỷ lệ các cặp vợ chồng không thể mang thai, sinh con ngày càng gia tăng.

1. Hệ lụy từ quá khứ

Cưới nhau hơn một năm vẫn chưa có con, vợ chồng chị Hà ở Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) đi khám tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư và nhận được kết luận: “Vô sinh thứ phát”. Tưởng bác sỹ ghi nhầm vì vợ mình chưa từng có đứa con nào, chồng chị Hà liền thắc mắc và nhận được giải thích, trước đó chị Hà đã từng mang thai và phá bỏ, nên tình trạng bệnh vô sinh là thứ phát chứ không phải nguyên phát; và chính tiền sử nạo phá thai là nguyên nhân gây vô sinh của chị.

“Hồi ấy hai đứa còn là sinh viên, do “lỡ” nên đã lén lút đến một phòng khám tư để hút. Cứ nghĩ thai nhỏ, hút thì không có biến chứng, hậu quả gì, nên hai vợ chồng cũng quên ngay sự cố ấy. Ai ngờ, hậu quả lớn thế này”, chị Hà lo lắng.

Theo GS. Trần Quán Anh: Tuy tỷ lệ vô sinh thứ phát ở nữ giới nhiều hơn, nhưng nam giới cũng không ngoại lệ. Các viêm nhiễm nam khoa cũng gây tắc ống dẫn tinh, viêm tinh hoàn... gây vô sinh. Ngoài ra, điều kiện làm việc trong môi trường ô nhiễm, vất vả; quan hệ tình dục quá độ; lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích... cũng làm giảm khả năng sinh sản của nam giới.

Theo nghiên cứu, khảo sát của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP HCM), vô sinh thứ phát đang chiếm 40% trong các ca vô sinh. Trong đó, những phụ nữ vô sinh thứ phát có đến hơn 60% có tiền căn nạo phá thai. Công bố cuối năm 2014 của Bộ Y tế cũng cho thấy, phụ nữ từng nạo hút thai có nguy cơ vô sinh thứ phát cao gấp 5,2 lần phụ nữ chưa nạo hút thai lần nào. Trong đó, người nạo hút thai tại những nơi không phải bệnh viện có nguy cơ vô sinh thứ phát gấp 3,7 lần nạo hút thai tại bệnh viện. Tiền căn sẩy thai và viêm cổ tử cung làm tăng nguy cơ vô sinh thứ phát với tỷ lệ lần lượt là 3,9 và 7,4 lần.

Bác sỹ Lê Thị Phương Lan, Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết, việc hút điều hòa kinh nguyệt là một phương pháp phá thai an toàn, nhưng nó cũng có nguy cơ gây viêm, nhiễm nấm và làm tổn thương vòi trứng. Chưa kể, nhiều chị em lỡ có thai đã khai báo thời gian có thai ít đi để được hút điều hòa.

“Khi phá thai nhiều lần tại các địa chỉ không an toàn, phá khi thai đã lớn... rất dễ tắc vòi trứng, viêm dính buồng tử cung và gây vô sinh. Nhiều trường hợp tắc nghẽn vòi trứng dù đã nội soi để tách, thông, nhưng không thông được nên phải tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm và kết quả cũng chưa chắc đã thành công”, bác sỹ Lan cho hay.

2. Sinh được lần một, chưa chắc được lần hai

Khi cô con gái đầu lòng vào lớp 1, hai vợ chồng anh Danh, chị Hiên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thống nhất sinh thêm con thứ hai, nhưng dù hai vợ chồng “giao ban” đều đặn, chị vẫn không có tín hiệu gì của việc mang thai. Tự tin bởi lần mang thai đầu “thả là dính”, thấy sức khỏe của hai vợ chồng đều ổn định, anh chị không màng đến việc khám, điều trị. Nhưng hai năm sau, tin vui vẫn không đến, nên anh chị đành đến phòng khám và điếng người bởi kết quả “vô sinh thứ phát”.

Để tránh tình trạng vô sinh thứ phát, ngoài việc hạn chế tối đa nạo hút thai, cần giữ gìn sức khỏe sinh sản, cân nhắc về tuổi tác của người mẹ để có thai. Các cặp vợ chồng không nên kéo dài khoảng cách giữa hai lần sinh con, thời gian lý tưởng là từ 3 - 5 năm

“Tôi đi khám mấy nơi, kết quả đều cho thấy nguyên nhân là do cổ tử cung của tôi có vết sẹo lớn, làm chít hẹp, khiến trứng không thể di chuyển vào buồng trứng. Lúc đó, tôi mới nhớ ra cách đây hai năm tôi bị viêm nhiễm phụ khoa, điều trị dai dẳng mãi không khỏi. Được một bác sỹ ở phòng khám tư vấn, tôi đã đốt điện cổ tử cung để điều trị dứt điểm, ai ngờ lần điều trị ấy để lại di chứng đến bây giờ”, chị Hiên kể.

Bác sỹ Lê Thị Kim Dung, cho hay, viêm nhiễm tắc dính đường sinh dục ở nữ giới là nguyên nhân dẫn tới vô sinh thứ phát được nhắc tới đầu tiên và nhiều nhất. Phụ nữ có tiền sử về nhiễm trùng sinh dục như viêm cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng làm chít hẹp hoặc tắc ống dẫn trứng, do đó trứng không thể di chuyển vào buồng tử cung để có thai.

“Tiền sử nữ giới có đốt lạnh hay đốt điện cổ tử cung, tiền căn nạo thai, sẩy thai, tổn thương cổ tử cung sau sinh gây chít ép hoặc hở cổ tử cung hoặc viêm nhiễm cổ tử cung đều làm ảnh hưởng tới khả năng sống của tinh trùng. Bởi khi đó chất nhầy hoặc cấu trúc của cổ tử cung bị ảnh hưởng, làm cho tinh trùng khó sống sót và không thể bơi qua được sẽ làm cho tỷ lệ có thai giảm”, bà Dung nói. 

Mai Hà

tin tức nổi bật