Ngủ ngáy và Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm. Trên thực tế nhiều người không biết mình bị bệnh lý về giấc ngủ, chưa nói đến tên Hội chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu không được điều trị nó có thể dẫn tới các triệu biến chứng lâu dài và thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu bạn có bệnh lý này, hơi thở của bạn có thể rất nông hoặc bạn có thể bị ngừng thở trong khi ngủ. Ở một số người, tình trạng này có thể xảy ra nhiều lần trong một đêm. Nếu một người bị ngừng thở khi ngủ, một phần não của họ có thể bị đánh thức để chỉ huy cơ thể thở. Khi tình trạng này xảy ra, chất lượng giấc ngủ của người bệnh bị ảnh hưởng và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.

1. Tổng quan Chứng ngưng thở khi ngủ

Chứng ngưng thở khi ngủ được chia làm 3 loại:

 

  • Ngưng thở tắc nghẽn (OSA)

  • Ngưng thở trung ương (CSA)

  • Ngưng thở hỗn hợp (MSA)

1.1. Ngưng thở tắc nghẽn

Là tình trạng hay gặp nhất, ảnh hưởng đến khoảng 4% nam giới và 2% nữ giới. Tuy nhiên, người ta tin rằng chỉ khoảng 10% số bệnh nhân bị chứng ngưng thở tắc nghẽn đi khám để được điều trị trong khi hầu hết người bệnh không được thăm khám và chẩn đoán.

Chứng ngưng thở tắc nghẽn là các cơn tắc nghẽn đường hô hấp trên toàn phần hoặc một phần khi ngủ, lặp đi lặp lại. Trong khi ngủ, phần cơ họng được nghỉ ngơi, lưỡi và các mô mềm ở hầu họng giãn ra và gây nghẽn đường thở một phần hoặc hoàn toàn.

Khi ngưng thở, không khí qua vùng nghẽn bị hạn chế, làm giảm nồng độ ô-xy trong máu. Sự thiếu hụt oxy phát ra tín hiệu đánh thức một phần não để chỉ huy cơ thể thở. Vì cơ hoành và cơ ngực cần phải làm việc nhiều hơn để ép không khí qua vùng hẹp, hơi thở thường là thở gấp, khịt mũi hoặc ngáy. Một khi hơi thở trở về bình thường thì não quay lại trạng thái ngủ và quy trình này lại bắt đầu. Cứ như vậy quy trình này có thể xảy ra vài lần hoặc hàng trăm lần trong một đêm tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh.

1.2. Hội chứng Ngưng thở trung ương

Ít gặp hơn hội chứng ngưng thở tắc nghẽn và xảy ra khi não không chỉ huy được các cơ quan kiểm soát thở.

Hội chứng ngưng thở trung ương thường do các bệnh lý sẵn có từ trước gây ra, dẫn đến sự mất cân bằng tại trung tâm điều khiển hô hấp của não trong lúc ngủ như suy tim hay bệnh lý về thần kinh.

1.3. Hội chứng ngưng thở hỗn hợp

Đúng như tên gọi của nó là sự phối hợp của cả hội chứng ngưng thở tắc nghẽn và ngưng thở trung ương.

2. Các triệu chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?

Chứng ngưng thở khi ngủ có các triệu chứng sau:

  • Ngáy to

  • Buồn ngủ quá mức vào ban ngày

  • Dễ cáu kỉnh và liên tục thay đổi tâm trạng

  • Đau đầu.

  • Buồn ngủ mà không ngủ được

  • Khó tập trung.

3. Nguyên nhân gây ra Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ, đó là:

  • Béo phì.

  • Phì đại VA, amidan hoặc lưỡi

  • Các vấn đề về xoang.

4. Hội chứng ngưng thở khi ngủ gây ra nguy cơ gì?

Ngưng thở khi ngủ khiến bạn mệt mỏi và không tỉnh táo, nhưng bạn có biết rằng hội chứng ngưng thở có thể có những nguy cơ nguy hiểm dưới đây:

  • Tăng huyết áp

  • Tiểu đường tuýp 2

  • Bệnh về tim

  • Trào ngược dạ dày – thực quản

  • Tăng cân

  • Trầm cảm

5. Chứng ngưng thở khi ngủ được điều trị như thế nào?

Nếu bạn có vấn đề về giấc ngủ, chúng tôi khuyến nghị bạn nên đi khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Hô hấp. Bác sĩ điều trị có thể tiến hành thăm dò sâu hơn về giấc ngủ của bạn để chẩn đoán, được gọi là: đo đa ký giấc ngủ. Thử nghiệm này sẽ xác nhận bạn có bị hội chứng ngừng thở khi ngủ hay không và bạn đang bị loại nào. Bác sĩ cũng có thể thực hiện thêm các thử nghiệm khác để tìm xem bạn có đang bị bệnh lý nào khác mà mình không biết như suy tim, bệnh hô hấp mãn tính, bệnh về thần kinh hoặc bệnh về hooc môn.

Có nhiều phương pháp điều trị Chứng ngưng thở khi ngủ và sẽ được chỉ định tùy theo tình trạng y tế của từng. Bác sĩ của bạn có thể cần phải hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa khác như chuyên khoa Tai Mũi Họng, Tim mạch, y tá và kỹ thuật viên. Kế hoạch điều trị cho bạn có thể phối hợp các phương pháp điều trị dưới đây:

  • Liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục.

  • Đeo nẹp hàm.

  • Phẫu thuật.

  • Giảm cân.

  • Thay đổi lối sống.

Sưu tầm

tin tức nổi bật