Theo dự đoán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người cao tuổi (NCT) trên toàn thế giới sẽ vượt qua 1 tỉ vào năm 2020, trong đó, 700 triệu người sống tại các nước đang phát triển.
WHO cũng đã khuyến cáo các quốc gia khu vực Đông Nam Á (trong đó có VN) rằng, cần nhận định và nắm bắt để xây dựng chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi nhiều hơn nữa. Thực tế ở nước ta, NCT chưa được quan tâm nhiều như các đối tượng khác (đặc biệt, nếu so với đối tượng phụ nữ mang thai và trẻ em, người già sẽ “tủi thân” nhiều cho phúc lợi xã hội của mình). Thực tế, việc chăm sóc NCT trong gia đình, và chính trong cách tự chăm sóc sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của các cụ còn nhiều vấn đề bất cập…
“Chiếc xe cổ”
Ở VN, từ 60 tuổi trở lên được gọi là NCT. Theo Điều tra DS - KHHGĐ năm 2007 do Viện Khoa học xã hội VN cung cấp, NCT nước ta đã lên tới 9,45% nghĩa là sát ngưỡng với “dân số già” (theo quy định của Liên Hiệp quốc 10%). Dự tính đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 18%.
Về mặt khoa học, NCT phải chịu đựng nhiều bệnh tật do tuổi tác: Các phủ tạng ở tuổi 70 giảm 20% khả năng tiêu thụ oxy, 40% mức lọc cầu thận, 35% cung lượng tim, 40% sức bóp tay so với lúc 30 tuổi. Ngoài ra, tỉ lệ NCT có bệnh khác cao: 43,6% bệnh xương khớp, 18,25% bệnh tiêu hóa, 19,3% bệnh phổi, 18,52% bệnh tim mạch…Ngoài ra, còn rất nhiều bệnh khác như giảm thị lực, thính lực, răng yếu…
Người Việt có câu “tre già thì tốt, người già thì xấu”. Người già không những “xuống đều” về mặt thể chất, tính tình cũng thay đổi nhiều và có chiều hướng trở về …tính cách trẻ con: Hay khóc, thích làm nũng, thường xuyên giận hờn. Nếu nhìn theo cách tiêu cực, người già dễ nghĩ mình là gánh nặng của xã hội, và thấy rất bế tắc trong cuộc sống, như nhà văn Pháp Chateaubriand từng nói “người già như con tàu đắm”.
Người già VN cũng có nhiều khác biệt so với người già phương Tây. Theo cách nhìn của BS Đỗ Hồng Ngọc: “Già Tây nhìn khó biết. Hỏi tuổi là một điều tối kỵ, nhất là hỏi tuổi phụ nữ. Nói chung già Tây trang điểm thật khéo (cả đàn bà lẫn đàn ông), ăn mặc đúng mốt và dáng dấp cử chỉ, luôn có vẻ nhanh nhẹn không thua một người trẻ, không để cho đám trẻ nhận ra mình già. Chỗ mỡ thừa nếu có thì họ đã nhanh chóng loại bỏ (ở các thẩm mỹ viện), nên chỉ khi họ ở ngoài bãi biển mới có thể thấy những sẹo dọc sẹo ngang của họ. Già Ta thì khác. Già Ta hay làm bộ… già hơn tuổi thiệt của mình, họ cũng thường xưng tuổi, so tuổi, hỏi tuổi của nhau (kể cả phụ nữ), để coi ai lớn tuổi hơn ai vì lớn tuổi thì thường được kính trọng. Khi tính tuổi còn cộng thêm tuổi nằm trong bụng mẹ gọi là “tuổi ta”, hơn tuổi tây một tuổi, cho mau gìa thêm một chút. Già Ta ít trang điểm, ít làm dáng, ăn mặc xuề xòa sao cũng được và nếu là đàn ông thường để bộ râu vuốt tới vuốt lui, đi đứng đường bệ, nói năng chậm rãi, tằng hắng ho hen đôi ba tiếng cho có vẻ… già làng, lão làng, cho tụi nhỏ nể nang ở chỗ đông người”.
Thực tế, dù “già Tây, hay già Ta” cũng đều được quan tâm, chăm sóc cẩn thận, và mỗi NCT dù ở hoàn cảnh nào cũng cần có được thái độ sống tích cực. Người già rệu rã, cũ kĩ như chiếc xe cổ. Nếu một “chiếc xe cổ” được trân trọng, lau chùi và nâng niu sẽ trở nên quý giá hơn nhiều. Một “chiếc xe cổ” nếu biết phát huy thế mạnh của mình (như trí tuệ lớn và và kinh nghiệm dày dặn chẳng hạn) sẽ nắm vai trò quan trọng trong xã hội.
Nhịp gãy tâm lý
Các nhà tâm lý học cho rằng, sở dĩ trong mỗi gia đình, NCT thường khó hòa hợp với thế hệ trẻ là do “gãy nhịp tâm lý”. Trong gia đình đó, có hai “véc-tơ” ngược chiều nhau: người trẻ hướng đến cái mới, cái tân tiến, trong khi người già hướng về giá trị cũ. Hai nhóm quan điểm “chỏi” nhau, và trong hoàn cảnh “mình hay ốm đau, mình không làm ra tiền, con cháu ít chịu nghe lời mình”, các cụ dễ rơi vào mặc cảm, buồn rầu.
Ít người trẻ chịu để ý rằng, người già cũng có như cầu giao tiếp chẳng thua gì thế hệ trẻ! Thế nhưng họ bị hạn chế về điều kiện giao tiếp rất nhiều. Giao tiếp là một phần quan trọng quyết định chất lượng sống, chất lượng sống của người già bị sa sút cũng do trong gia đình ít người muốn đàm thoại với các cụ “lãng tai, đãng trí”. Ngoài xã hội, các cụ cũng ít được giao du do thiếu sân chơi.
Có nhiều người trẻ cứ thắc mắc “không hiểu sao các cụ khó tính thế, không biết đường nào mà chiều”. Thực ra, sức khỏe đã ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần các cụ. Bệnh “đánh” vào tâm lý NCT nhiều nhất là khó khăn trong ăn uống. Người trẻ bị rối loạn tiêu hóa một chút đã kêu ầm lên và bỏ ăn, nói chi người già bị “yếu đều” hệ tiêu hóa. Hệ tiêu hóa của các cụ mất dần chức năng như mong muốn. “Ăn được là tiên”, nhưng nhiều người già nói hóm hỉnh với nhau rằng tôi đang là “ông tiên mắc đọa” bởi ăn được nhưng…không tiêu!
Điều đó không có gì khó hiểu. Bên cạnh vai trò của yếu tố di truyền, tuổi già nhanh chân hay chậm bước là do ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng trước đó. Dấu ấn này càng đậm nét hơn khi đồng hồ của cuộc đời chợt gõ tiếng thứ 60. Song song với tình trạng thiếu nước vì cơ thể dễ mất nước hơn lúc còn thanh xuân, dịch tiêu hóa cũng không được bài tiết dồi dào như lúc còn trẻ. Nhu động của khung ruột cũng thế do bị rối loạn thường xuyên. Hậu quả là dưỡng chất, đặc biệt là sinh tố và khoáng tố, không còn được hấp thu tối đa qua niêm mạc đường tiêu hóa. Thêm vào đó là dấu hiệu khô miệng do thiếu nước bọt ở tối thiểu 1/5 người lớn tuổi.
Tình trạng này càng đáng nói hơn nữa ở nước ta, nơi nhiều người lớn tuổi có thói quen ăn trầu, hút thuốc, uống trà đậm, nhưng lại ít uống nước! Không lạ gì khi nhiều người lớn tuổi biếng ăn vì khó nuốt, vì đắng miệng, vì buồn nôn do rối loạn thần kinh khứu giác, vị giác cũng như do tình trạng co thắt thái quá của thực quản. Đó là chưa kể chất lượng của hàm răng người già bị ảnh hưởng rõ rệt đã khiến các cụ ăn uống khó khăn.
Người già có ti tỉ điều khó khăn tương tự như thế nhưng mấy khi con cháu “sống chậm” lại vài phút để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các cụ? Vậy là dù rất đáng tiếc, “nhịp gãy” giữa hai thế hệ già-trẻ trong mỗi gia đình vẫn tồn tại.
Báo hiếu đâu chỉ ngày Vu Lan!
Ông Lê Văn Hoàng - Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP.HCM chia sẻ: “Thường xuyên gặp các cụ, tôi nắm bắt được tâm lý chung của người cao tuổi là lo sợ không được con cái quan tâm, chăm sóc. Là con, là cháu, thường thì ai cũng quan tâm đến cha mẹ, ông bà, nhưng nhiều khi nhịp sống gấp gáp ở thành thị đã cuốn họ trôi đi, ít dành thời gian cho người già trong gia đình. Nhiều người chỉ kịp nghĩ đến chuyện báo hiếu trong dịp Vu Lan, nhưng người trẻ cần làm sao để mỗi ngày đều là ngày báo hiếu mới chăm sóc chu đáo được cho các cụ. Việc báo hiếu bằng miếng trái cây tươi, vài viên thuốc bổ là không bao giờ bị “sớm” đối với sức khỏe NCT, cần thực hiện đều đặn mỗi ngày. Đặc biệt, với NCT, việc uống thuốc bổ liên tục mỗi ngày để giữ sức khỏe có ý nghĩa hơn nhiều so với việc đổ bệnh ra mới chạy chữa. Ngoài ra, việc tỉ tệ trò chuyện cũng rất quan trọng”.
Trò chuyện với các cụ cũng cần có kĩ năng hẳn hoi. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khuyên rằng: “Khi “tiếp cận” các cụ, đừng xuất hiện đột ngột đầu giường dễ làm họ giật mình. Phải lên tiếng đánh động, tạo sự chú ý trước khi xuất hiện. Trí não các cụ không bắt nhịp nhanh như hồi còn trẻ đựơc, phải có thời gian để “định thần”, tập trung chú ý rồi mới khởi sự giao tiếp được! Nên phải từ tốn, chậm rãi. Dành thời gian; Khi đứng hoặc ngồi thì chọn khoảng cách đủ gần để có thể nắm tay, ôm vai. Luôn giữ nét mặt vui tươi, ân cần, thực sự quan tâm chớ không phải quấy quá cho xong; Môi trường tiếp xúc cần yên tĩnh, các cụ mới dễ tập trung, dễ nhìn, dễ nghe. Nơi đông đúc ồn ào dễ gây hoang mang, mất tập trung. Lúc nói chỉ nên một người nói. Không nên tay xách nách mang trong lúc nói dễ gây rối trí; Ánh sáng phải vừa đủ để có thể nhìn mắt, nhìn môi người nói. Tránh đứng trong bóng tối. Giảm bớt ánh sáng nếu thấy quá chói. Mắt các cụ yếu, chói quá thì đồng tử sẽ co nhỏ, không nhìn thấy gì, nhất là ở người có bệnh cườm già; Dùng những từ đơn giản, cụ thể, những câu ngắn gọn. Lặp đi lặp lại đôi ba lần nếu cần. Khi cảm thấy các cụ chưa hiểu thì phải nói cách khác, dùng từ khác, cấu trúc câu khác cho dễ hiểu, dễ nghe hơn; Dặn dò điều gì thì nên nhắc lại các ý chính. Tóm tắt cho dễ nhớ. Thường các cụ không tiện hỏi lại. Hỏi lại chứng tỏ đầu óc lẩm cẩm, hay quên. Tốt nhất ghi ra giấy. Chữ phải rõ, to, chân phương, dễ đọc. Quan trọng nhất là phải sẵn sàng chấp nhận sự nhầm lẫn, sai sót, quên trước quên sau của các cụ. Sẵn sàng chấp nhận những cơn nóng giận, bực dọc bất thường của các cụ! Đợi một dịp khác thuận lợi hơn nếu lần này thất bại. Nếu cần, nhờ người nhà giúp đỡ, “phiên dịch” vì họ đã quen”.
Về vấn đề chăm sóc dinh dưỡng, bác sĩ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) chia sẻ: “Nhiều người quan tâm đến vấn đề trẻ em bị suy dinh dưỡng, nhưng ít ai quan tâm đến khái niệm “người già suy dinh dưỡng”. Thực tế, NCT cũng cần được quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng để đạt được “cân nặng” chuẩn. Người già khó có thể chủ động về nhiều thứ, nên nếu bảo “người già cũng cần chăm sóc như trẻ em” cũng chẳng sai. Các cụ cần được theo dõi để có chế độ ăn uống riêng (tùy vào sức khỏe, thể trạng, bệnh tật của mỗi người). Việc nấu một bữa ăn cho gia đình để người già ăn chung, ăn được bao nhiêu thì tùy-là cách làm phổ biến của nhiều gia đình. Tuy cách này tiện lợi nhưng rất hại sức khỏe của các cụ”.
Người già cũng rất cần được quan tâm đến chuyện uống thuốc bổ. Suy nghĩ đơn giản của nhiều người là: chỉ khi nào ốm đau mới dùng thuốc bổ kèm theo thuốc điều trị. Thực chất, việc nhận thức được quá trình lão hóa ở người cao tuổi sẽ giúp họ có ý thức trong việc bổ sung nguồn dinh dưỡng, duy trì sự dẻo dai của cơ thể. Khi tuổi càng cao việc hấp thu vitamin trở nên khó khăn hơn, kể cả khi chế độ ăn uống đầy đủ cũng không thể cung cấp đủ các loại vitamin cần thiết cho nhu cầu của cơ thể. Quá trình chế biến thức ăn làm bay hơi nhiều loại vitamin, cùng với sự suy giảm các chức năng trên cơ thể người già đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Chính vì vậy, việc thường xuyên bổ sung các dưỡng chất giúp cơ thể khỏe mạnh được ưu tiên song song với việc chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao. Hiện nay, thị trường thuốc bổ cho người cao tuổi chủ yếu có hai loại: loại chứa nhân sâm không dành cho người cao huyết áp), loại chiết xuất từ thảo dược dành cho mọi đối tượng như Circulan…
Ông Lê Văn Hoàng chia sẻ thêm: “Xã hội cần có nhiều chương trình chăm sóc NCT hơn nữa. Chúng ta có Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Thiếu nhi, Nhà Văn hóa Phụ nữ…, nhưng chưa có Nhà văn hóa cho NCT! Các cụ đã phải tận dụng vỉa hè, công viên để sinh hoạt. Thế nhưng dù xã họi có chăm lo đến mấy cũng không bằng sự chăm lo của người thân trẻ tuổi trong gia đình. Sức khỏe của người già nằm nhiều trong tay người trẻ!”.
Ông tổ của nghề Y-Hippocrate ví von rằng, tuổi đời với bốn mùa thì người già là mùa đông băng giá. Thật tốt nếu mỗi người trẻ trong gia đình biết thắp một que diêm để sưởi ấm mùa đông lạnh giá đó.