Sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà khi nào?

1. Điều trị ngoại trú, nội trú bệnh sốt xuất huyết khi nào?

Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti. Bệnh có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt cấp diễn, kèm theo xuất huyết ở da hoặc niêm mạc và giảm tiểu cầu ở trong máu. Bệnh diễn biến 5- 7 ngày có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Vì vậy, cùng với phát hiện sớm, việc điều trị kịp thời sẽ giúp đem lại hiệu quả cho người bệnh.

1.1. Điều trị ngoại trú khi:

+ Chẩn đoán sốt dengue thể nhẹ, không có biến chứng.
+ Điều trị nội trú ổn định có thể được kê đơn theo dõi ngoại trú.

1.2. Điều khi nội trú (nhập viện) khi: 

+ Có chỉ định truyền dịch như bệnh nhân không uống được, nôn nhiều,…;
+ Hoặc có dấu hiệu cảnh báo diễn biến nặng như:

  • Hạ thân nhiệt, hạ huyết áp;
  • Biểu hiện mệt mỏi, lừ đừ, hoặc kích thích vật vã;
  • Biểu hiện xuất huyết niêm mạc, nội tạng: chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt nhiều, đái đỏ, đi ngoài phân đen,…
  • Xét nghiệm máu có biểu hiện cô đặc máu Hematocrit tăng, số lượng tiểu cầu giảm thấp,…

2. Bệnh sốt xuất huyết diễn biến như thế nào?

Sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn nguy hiểm: thường xảy ra từ ngày thứ 3- 6 của bệnh ( cần theo dõi chặt chẽ) với các triệu chứng:

  • Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt.
  • Hạ huyết áp, đây là hậu quả của tình trạng thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ). Nếu tình trạng thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.
  • Tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng.
  • Xuất huyết:
    + Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.
    + Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.
    + Xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng.

Tuy nhiên, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

3. Chẩn đoán sốt xuất huyết cần làm xét nghiệm gì?

- Các xét nghiệm chẩn đoán, theo dõi và tiên lượng bệnh, gồm:

  • Xét nghiệm máu chẩn đoán sốt xuất huyết được chỉ định từ ngày đầu tiên của bệnh.
  • Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1 - một dấu ấn sinh học mới cho chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue từ ngày đầu tiên khi xuất hiện sốt.

- Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi diễn biến và tiên lượng bệnh tiên lượng, gồm:

  • Tổng phân tích máu: Số lượng tiểu cầu, hematocrit có ý nghĩa trong chẩn đoán, theo dõi và tiên lượng bệnh. Số lượng tiểu cầu giảm thấp, Hematocrit tăng cao là một trong những dấu hiệu bệnh diễn biến nặng.
  • Xét nghiệm cơ bản: chức năng gan, thận, điện giải đồ...
  • Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm ổ bụng, siêu âm màng phổi, X-quang tim phổi

4. Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết cần lưu ý những gì?

Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết: thường xảy ra từ ngày 3- 6 của bệnh vì vậy chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý giai đoạn này. 

Giai đoạn này bệnh nhân có thể hết sốt những vẫn có thể diễn biến nặng, nguy hiểm như xuất huyết nặng, huyết áp, shock,…

4.1. Chăm sóc bệnh nhân khi sốt:
+ Chườm ấm hoặc lau người bằng khăn mát.
+ Đảm bảo bù đủ nước (uống Oresol) khi bệnh nhân uống được. Lưu ý Oresol  ( hoặc thuốc tương tự ) cần đảm bảo pha đúng hướng dẫn. 
+ Theo dõi nhiệt độ
+ Uống hạ sốt Paracetamol liều 10 - 15 mg/kg/lần khi sốt >38,5 độ C, uống nhắc lại sau 4-6 giờ nếu còn sốt >38,5 độ C theo hướng dẫn của bác sỹ. Tuyệt đối không dùng thuốc Aspirin hay Ibuprofen để hạ sốt.

4.2. Theo dõi dấu hiệu xuất huyết: xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh, kinh kéo dài, kinh nguyệt đến sớm, tiểu đỏ, đi ngoài phân đen… Cần báo ngay cho bác sỹ khi có các dấu hiệu trên.
- Theo dõi huyết áp.
- Theo dõi toàn trạng: li bì, vật vã kích thích, khó ngủ, đau tức mạn sườn phải,…
- Cần báo ngay cho bác sỹ theo dõi khi có các dấu hiệu bất thường.

5. Phòng bệnh sốt xuất huyết bằng những biện pháp nào?

Sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có văcxin phòng bệnh. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp như sau để phòng bệnh sốt xuất huyết:

  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng;
  • Diệt loăng quăng/bọ gậy.
  • Bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng;
  • Tích cực phun hóa chất phòng, chống dịch.
  • Vệ sinh môi trường.
  • Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Theo KH & ĐS

Xem thêm: Sốt xuất huyết: Nhập viện ngay khi có các Dấu hiệu này

PHÒNG KHÁM BÌNH MINH

tin tức nổi bật