Kỹ năng Cầm máu tạm thời

Khi bị chấn thương, cầm máu tạm thời là một kỹ năng xử trí cấp cứu rất quan trọng và cần thiết để cứu sống nạn nhân và hạn chế những biến chứng của vết thương. Mục đích của việc cầm máu tạm thời là nhanh chóng làm ngừng chảy máu vì nếu mất máu nhiều, nạn nhân sẽ bị sốc nặng.

1. Băng ép

Đặt một lớp gạc và bông thấm nước phủ kín vết thương, sau đó đặt một lớp bông mỡ (có tác dụng đàn hồi và không thấm nước) dày lên trên; lớp này càng dày thì tạo được sự nén ép càng cao; sức ép chỉ tập trung ở vị trí có lớp bông mỡ nên không cản trở tuần hoàn chung của chi thể.

Băng kiểu vòng xoắn hoặc số 8, các vòng băng tương đối chặt, tốt nhất là dùng băng thun. Đây là phương pháp cầm máu cơ bản có thể áp dụng cho mọi vết thương mà không sợ các tai biến.

2. Băng nút

Là cách băng ép có dùng thêm bấc gạc để nhét nút vào vết thương. Nhét nút càng chặt thì sức ép càng tăng và tác dụng cầm máu càng tốt.

Băng nút thích hợp với các vết thương chảy máu động mạch ở sâu hoặc những vùng đặc biệt của cơ thể (như vùng cổ, vùng chậu) mà băng ép thông thường không phát huy được tác dụng cầm máu. Tuy nhiên khi băng nút ta có thể đưa cả dị vật và các mô dập nát vào sâu, gây ô nhiễm vết thương. Do đó, chỉ nên băng nút khi băng ép không hiệu quả và không thể áp dụng được các phương pháp cầm máu khác

3. Gấp chi tối đa

Là biện pháp cầm máu đơn giản, rất tốt mà mỗi người có thể tự làm ngay sau khi bị thương để cầm máu. Khi chi thể gấp tối đa, các động mạch bị gấp và đè ép bởi các khối cơ bao quanh, có thể làm máu ngưng chảy. Cách làm tuỳ theo vị trí tổn thương:

- Cẳng tay, bàn tay: Gấp cẳng tay vào cánh tay. Nếu phải giữ lâu, có thể cố định tư thế gấp tối đa bằng một vài vòng băng hoặc dùng thắt lưng ghì chặt cổ tay vào phần trên cánh tay.

- Cánh tay: Dùng một vật hình tròn, trụ hoặc cuộn giấy… có đường kính chừng 10cm làm con chèn, kẹp chặt vào nách ở phía trên chỗ chảy máu rồi buộc chặt cánh tay vào thân người.

- Cẳng chân hoặc bàn chân: Nằm ngửa hoặc ngồi, dùng hai tay kéo mạnh cẳng chân ép vào đùi, có thể đệm thêm một cuộn băng vào khoeo.

- Đùi: Nằm ngửa, dùng hai tay kéo mạnh đầu gối để ép chặt đùi vào thân người, có thể dùng dây lưng để ghì mạnh đùi vào thân người.
 
4. Ấn động mạch

Là động tác dùng ngón tay đè chặt vào động mạch trên đường đi của động mạch từ tim đến vết thương nhằm làm động mạch bị ép chặt giữa ngón tay và nền xương.

Phương pháp này có nhược điểm là không giữ lâu được vì người ấn nhanh chóng bị mỏi tay. Do đó, đây là động tác xử trí đầu tiên đối với một vết thương có chảy máu động mạch vừa hoặc lớn. Sau đó, phải sử dụng các biện pháp lâu bền hơn để đảm bảo cầm máu và chuyển nạn nhân về tuyến sau.

Sau khi cầm máu tạm thời cho nạn nhân, cần nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí thích hợp và kịp thời. 

 Nguồn: suckhoedoisong.vn

tin tức nổi bật