Khám sức khỏe định kỳ một số lưu ý cho bạn

Để sống lâu, sống khỏe, sống có ích, ngoài ý thức và hành động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, chúng ta cần biết một số lưu ý khi đi khám sức khỏe định kỳ.

Thông thường danh mục khám sức khỏe định kỳ gồm: Khám lâm sàng các chuyên khoa, xét nghiệm (Huyết học, hóa sinh - miễn dịch, vi sinh, nội tiết - hormôn,…), chụp X quang, siêu âm, nội soi,...

Trong quá trình khám nếu phát hiện bệnh lý, tùy thuộc vào lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ tư vấn bổ sung hoặc tư vấn gói khám phù hợp. 

Kết quả khám chính xác có ý nghĩa trong chẩn đoán để sàng lọc và đưa ra phương án điều trị bệnh hiệu quả. Bởi thế, đảm bảo kết quả khám chuẩn xác nhất, người dân dù không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, tiền sử điều trị bệnh hay khám sức khỏe cho trường hợp đang điều trị bệnh mạn tính nào đó,… cũng nên lưu ý chuẩn bị các điều kiện khi lấy mẫu xét nghiệm, chụp X quang, siêu âm và nội soi dạ dày, đại tràng.

Các lưu ý khi khám sức khỏe định kỳ gồm:

1. Xét nghiệm

1.1. Xét nghiệm máu:

  • Lấy máu làm xét nghiệm tốt nhất vào buối sáng. Nhịn ăn, không uống nước ngọt, sữa, nước hoa quả, rượu, chè, cà phê, trong vòng 8 -12 tiếng trước khi làm xét nghiệm máu;

  • Lấy máu làm xét nghiệm tốt nhất vào buối sáng.

1.2. Xét nghiệm nước tiểu: 

  • Vệ sinh cơ quan sinh dục trước khi lấy mẫu, trừ một số trường hợp tổn thương cần lấy mẫu tại vị trí đó.

  • Bỏ nước tiểu đầu, sau đó mới lấy phần nước tiểu giữa dòng vào ống đựng vô khuẩn và gửi đi làm xét nghiệm.

1.3. Xét nghiệm phân: 

  • Không lấy phân lẫn với nước tiểu.

  • Lấy mẫu phân ở những chỗ có nhầy, máu, lỏng.

  • Thời gian từ lúc lấy đến lúc làm xét nghiệm không quá 2 tiếng và được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.

1.4. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung (PAP Smear): 

  • Xét nghiệm này chỉ dành cho những phụ nữ đã quan hệ tình dục.

  • Không làm xét nghiệm này khi đang có kinh nguyệt, ra máu âm đạo, viêm nhiễm, đang đặt thuốc điều trị viêm âm đạo, có thai.

  • Thời gian làm xét nghiệm: làm tốt nhất là ngày thứ 15 sau ngày kinh nguyệt đầu tiên, hoặc sau khi sạch kinh từ 7-10 ngày.

2. Chụp X quang và siêu âm

2.1. Siêu âm ổ bụng: Nên nhịn ăn ít nhất 4 - 6 tiếng trước khi làm siêu âm.

2.2. Siêu âm đầu dò âm đạo
 không cần nhịn tiểu, chỉ dành cho phụ nữ đã có gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục.

2.3. Siêu âm vùng tiểu khung: Siêu âm phần phụ (ở nữ giới) hoặc tiền liệt tuyến (ở nam giới) cần uống nhiều nước để có bàng quang đầy (có cảm giác buồn tiểu tiện) trước khi làm siêu âm 

2.4. Chụp X-quang: Không chụp X quang nếu phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai
 
3. Nội soi dạ dày, đại tràng

Cần nhịn ăn trước nội soi ít nhất 6 tiếng, kiểm tra tim mạch trước khi nội soi, trường hợp có nội soi gây mê cần kiểm tra chức năng gan, thận, khám tim phổi và chức năng đông máu. 

Nếu bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, hô hấp cần đưa ra sổ y bạ trước khi khám, để bác sĩ có nên chỉ định nội soi dạ dày hay không. 

Sưu tầm

tin tức nổi bật