Chứng đái dầm ở Trẻ

Đái dầm phổ biến hơn người ta tưởng rất nhiều. Hiện tượng này hay gặp ở trẻ nhỏ, hiếm gặp hơn ở tuổi học sinh. Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, khoảng 20% trẻ 5 tuổi và 3% trẻ 12 tuổi có những đợt đái dầm. Tại Mỹ, có khoảng 5-7 triệu trẻ trên 6 tuổi mắc chứng đái dầm.

Theo bác sĩ Mark Zaontz, Trưởng khoa Tiết niệu Nhi tại một bệnh viện khu vực ở New Jersey (Mỹ), yếu tố di truyền đóng vai trò rất quan trọng – đái dầm liên quan nhiều tới nhiễm sắc thể số 13.

Giáo sư Alan Greene, Đại học Tổng hợp Stanford (Mỹ), nói: “Phần lớn phụ huynh coi chứng đái dầm là bất thường về hành vi hay tâm lý, và họ cố gắng giải quyết vấn đề theo hướng này. Tuy nhiên, đái dầm chỉ được coi là mang tính hành vi nếu trước đó, trẻ từng không “tè” ra giường trong ít nhất 6 tháng”.

Theo ông Green, đái dầm là sự kết hợp của hai yếu tố quan trọng ở trẻ:
- Nhu cầu đi tiểu về đêm cao hơn bình thường.
- Hệ thống tín hiệu bên trong (giúp đánh thức ta dậy ban đêm khi có nhu cầu tiểu tiện) chưa hoàn thiện.

1. * Một số nguyên nhân gây chứng đái dầm:

1.1- Nguyên nhân do sinh lý: nguyên nhân chủ yếu gây nên chứng đái dầm .Trong cơ thể có hai cơ chế sinh lý giúp ngăn ngừa chứng đái dầm.

  • Hoóc-môn kháng lợi tiểu Vasopressin làm giảm lượng nước tiểu vào ban đêm.

  • Hệ thần kinh kiểm soát bàng quang sẽ báo thức giấc khi bàng quang chứa đầy nước tiểu.

Khi các cơ chế sinh lý trên chưa được phát triển hoàn chỉnh sẽ gây ra chứng đái dầm ở trẻ em.

1.2- Nguyên nhân về thể chất:

Do có những dị tật bẩm sinh của bàng quang; khả năng phát triển bàng quang không tốt, hay bàng quang nhỏ quá; không kiểm soát được cơ của ống dẫn tiểu; nhiễm trùng đường tiểu; không kiểm soát được cơ bàng quang hoặc do chậm phát triển hệ thống thần kinh; động kinh vào ban đêm…

Khi bàng quang đã đầy nước tiểu mà bệnh nhân vẫn chưa muốn thức giấc, sẽ dẫn đến đái dầm. Các bậc phụ huynh thường than phiền rằng con cái ngủ say quá nên đái dầm. Nhưng sự thực đái dầm không liên quan tới giấc ngủ. Nếu chúng thức giấc kịp thời để đi tiểu thì sẽ đỡ bị đái dầm hơn.

1.3- Nguyên nhân về tâm lý, cảm xúc:

  • Đái dầm đôi khi là vấn đề liên quan đến cảm xúc như sự chống lại những áp đặt quá đáng của bố mẹ, bắt con cái phải nghe theo họ, chẳng hạn như con cái phải luôn sạch sẽ, khô ráo…

  • Hoặc trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo hay tiểu học, trẻ gặp những khó khăn trong học hành.

  • Mẹ của trẻ sinh em bé, trẻ ít được quan tâm hơn hoặc được quan tâm nhưng không bằng lúc trước.

  • Những xáo trộn về mặt tình cảm, di chuyển đến nơi ở mới…

  • Căng thẳng về mặt tâm lý: ba mẹ cãi vã nhau, sợ hãi khi đi vệ sinh một mình…

  • Do đang mê ngủ.

  • Bố mẹ thiếu khuyến khích, hoặc có những mong đợi, kỳ vọng quá sức đối với trẻ khiến trẻ cảm thấy bị căng thẳng

  • Cha mẹ, anh chị hay những người xung quanh chế giễu chê bai sẽ làm cho chứng đái dầm thêm trầm trọng hơn.

1.4- Nguyên nhân do bệnh lý:

  • Mắc bệnh đái tháo đường týp 1.

  • Nhiễm trùng đường tiểu.

  • Cấu trúc bất thường ở đường tiểu.

  • Cột sống chẻ đôi.

  • Tổn thương tủy sống.

2.* Các phương pháp phòng chống chứng đái dầm ở trẻ em:

Thực tế, các bậc cha mẹ nếu thấy con mình có những biểu hiện của chứng này thì nên đưa trẻ đi khám về thân thể trước xem có phải vì nguyên nhân về mặt sinh lý không. Rồi sau đó mới đưa đến gặp bác sĩ tâm lý để có phương pháp trị liệu.

Tùy theo nguyên nhân gây ra chứng đái dầm mà chúng ta có các phương pháp phòng chống và  điều trị thích hợp.

- Với chứng đái dầm do nguyên nhân sinh lý: khi trẻ em lớn lên đến một giai đoạn mà hệ thần kinh kiểm soát bàng quang đã phát triển hoàn chỉnh thì chứng đái dầm sẽ hết.

- Với chứng đái dầm do nguyên nhân tâm lý: cần tôn trọng trẻ em, tránh la mắng, trừng phạt, tránh gây cảm giác xấu hổ, tội lỗi nơi các em. Cha mẹ luôn khuyến khích, động viên và khen thưởng khi các em không đái dầm.

Điều quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm của bố mẹ đối với trẻ; nên giúp đỡ trẻ qua những lúc khó khăn, đừng trừng phạt trẻ; không nên đổ lỗi cho trẻ, mà ngược lại nên giúp trẻ hiểu biết, có trách nhiệm để có thể làm được những gì cần phải tự làm.

Nếu trẻ cố gắng thức giấc, tự đi tiểu, hay đêm nào không bị đái dầm, thì nên khen ngợi. Phương pháp này có thể giúp trẻ khỏi hẳn đái dầm, tỉ lệ lên đến 25% và giúp trẻ thêm tiến bộ tự kiểm soát được đái dầm khoảng 75%

Ngoài ra có thể áp dụng một số phương pháp sau để kiểm soát chứng đái dầm ở trẻ em:

  • Hạn chế việc uống nhiều nước trước khi đi ngủ.

  • Tập cho bé đi tiểu đều đặn trong ngày.

  • Tạo thói quen đi tiểu trước thời gian chuẩn bị đi ngủ và có thể lặp lại ngay trước khi lên giường ngủ.

  • Sử dụng hệ thống chuông báo. Hệ thống chuông báo gồm có bộ phận cảm ứng độ ẩm ướt và bộ phận chuông, giúp cho bé thức dậy khi bàng quang chứa đầy nước tiểu và bắt đầu thấm ướt.

- Với chứng đái dầm do nguyên nhân bệnh lý: việc chữa trị bệnh đái tháo đường týp 1 hay bệnh nhiễm trùng đường tiểu cũng sẽ giúp kiểm soát chứng đái dầm. Áp dụng phương pháp phẫu thuật đối với các bệnh lý còn lại (cấu trúc bất thường ở đường tiểu, cột sống chẻ đôi…) mang lại hiệu quả cao trong điều trị chứng đái dầm.
Với trẻ em, việc sử dụng các loại thuốc để điều trị chứng đái dầm như: thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitryptiline, imipramine, nortriptyline) hay thuốc thay thế hoóc-môn kháng lợi tiểu (desmopresin) do có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên ít được sử dụng.

Cách đối phó tốt nhất với chứng đái dầm là xem nó như một tình trạng chậm phát triển hơn là một căn bệnh, và không dồn sự chú ý quá nhiều vào trẻ.

Sưu tầm

tin tức nổi bật