Để có đôi chân khỏe và đẹp

Tĩnh mạch là hệ mạch máu có nhiệm vụ dẫn các máu đen chứa các độc tố sau khi các mô sử dụng về tim và chuyển thành máu tươi để đi nuôi cơ thể. Tĩnh mạch ở chân là hệ tĩnh mạch có van nhằm lưu chuyển máu di chuyển từ thấp lên cao.

1. Bệnh giãn tĩnh mạch chân là gì?


Đó là tình trạng tĩnh mạch phình to và ngoằn ngoèo do sự hạn chế hoặc tắc nghẽn dòng chảy của máu trong lòng tĩnh mạch. Tĩnh mạch ảnh hưởng thường tập trung chủ yếu ở 2 chân, nhất là vùng khoeo, bắp chân. Tĩnh mạch giãn to sẽ có màu xanh sậm hoặc tím, thành mạch máu dễ bị vỡ tạo ra những mảng bầm xuất huyết. Đôi khi do dòng máu trong tĩnh mạch giãn không lưu thông được sẽ tạo thành cục máu đông nổi gồ, cứng lên bề mặt da. Có những trường hợp tĩnh mạch giãn to tạo thành những hồ máu tĩnh mạch, lúc nằm thì xẹp, đứng thì phồng to mềm.

2. Đối tượng nào thường dễ bị giãn tĩnh mạch chân?

Do ảnh hưởng theo thời gian và áp lực chịu đựng, các tĩnh mạch chân sẽ có nguy cơ ở những nhóm người sau đây: phụ nữ, trên 50 tuổi, kèm béo phì (BMI > 30), mang thai nhiều lần, dùng thuốc tránh thai lâu. Những nhóm người thường phải đứng một chổ nhiều như: giáo viên, bác sĩ phẫu thuật, công nhân xí nghiệp, hoặc các nhóm người phải ngồi lâu như: thợ may, nhân viên văn phòng, những người thường ngồi xe, máy bay nhiều giờ liên tục. Tiếp xúc với môi trường nóng thường xuyên như phụ bếp hoặc nhân viên làm trong các xưởng thép hoặc làm ngoài trời nóng nhiều đều có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch ở chân.

3. Nguy cơ của giãn tĩnh mạch là gì?

Nếu như các tĩnh mạch chân bị giãn lâu ngày, kích thước tĩnh mạch quá to và ngoằn ngoèo nhiều thì nguy cơ vỡ tĩnh mạch giãn là rất cao gây nên những mảng bầm dưới da, xuất huyết. Các tĩnh mạch giãn sẽ làm giảm sự lưu thông của máu, gây nên sự ứ trệ máu đen chứa nhiều độc tố dẫn tới vùng mô xung quanh dễ bị thiểu dưỡng do không có máu mới tới nuôi, thay đổi màu sắc da hoặc nặng hơn sẽ dẫn tới tình trạng loét nhiễm trùng do thiểu dưỡng.  Máu trong tĩnh mạch không lưu thông sẽ dễ bị vón cục tạo thành huyết khối bám lấp lòng thành tĩnh mạch lâu dần sẽ dẫn tới huyết khối lan lên các nhánh tĩnh mạch lớn như tĩnh mạch chủ dưới. Vì một lý do gì đó, các mảng huyết khối trong lòng tĩnh mạch bong ra sẽ trôi theo lòng mạch chảy về tim, phổi gây huyết khối động mạch phổi và có tỉ lệ tử vong rất cao.

4. Làm gì khi có tĩnh mạch ở chân bị giãn?

Suy giãn tĩnh mạch chân là nguyên nhân tất yếu của các yếu tố nguy cơ đã nêu. Tùy theo từng giai đoạn của bệnh và mức độ giãn mà sẽ có những cách điều trị khác nhau.

Tất ép y khoa: Là chỉ định được đặt ra ngay khi người bệnh thấy có dấu hiệu của bệnh. Người bệnh cảm thấy nặng chân về cuối ngày, phù cẳng chân, phù mu bàn chân hoặc thấy vùng da xuất hiện các mao mạch nổi tím như mạng nhện. Việc mang tất nên được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, mang liên tục trong ngày, mang tất phù hợp với kích cỡ của chân.

Thuốc: Chỉ có vai trò trong việc làm tăng tính bền của thành mạch máu. Làm tăng khả năng chịu được áp lực hoặc sự giãn ra của tĩnh mạch, chống tình trạng vỡ mạch gây xuất huyết hoặc loét.

Thay đổi các tác động xấu: Là phương cách điều trị chính và cốt yếu cho việc điều trị bệnh. Tránh tiếp xúc với môi trường nóng, hạn chế đứng hoặc ngồi quá lâu, năng tập thể dục nhất là các bài tập về chân để máu được dễ dàng lưu chuyển về tim. Các môn tập được khuyến cáo như bơi lội, đi bộ, đạp xe đạp rất tốt. Nếu phải ngồi lâu hoặc đứng lâu cần có những bài tập nhỏ tại chổ nhằm cho bắp chân được hoạt động.

Can thiệp phẫu thuật: Có thể dùng tia laser để đốt cháy đoạn tĩnh mạch bằng phương pháp laser nội tĩnh mạch, tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng khi các đoạn tĩnh mạch mới bắt đầu giãn và chưa tới mức ngoằn ngoèo. Khi tĩnh mạch giãn to, ngoằn ngoèo hoặc có khuyết khối trong lòng, cần loại bỏ tĩnh mạch theo phương pháp rút bỏ đoạn tĩnh mạch (phương pháp stripping) hoặc cắt bỏ các búi tĩnh mạch giãn tại chổ (phương pháp muller)

BS. Trịnh Trung Tiến

Xem thêm: Bệnh lý suy tĩnh mạch

tin tức nổi bật