Bệnh lý suy tĩnh mạch

Suy tĩnh mạch nếu không được điều trị sớm gây nhiều hậu quả ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, một số ít hậu quả có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trên thế giới tỷ lệ nam mắc bệnh này là 1%, trong khi đó ở nữ là 4,5%. Tần suất mắc bệnh ở tuổi lao động là 35%, ở tuổi nghỉ hưu là 50%.

Phòng khám đa khoa Bình Minh xin gửi tới các bạn một số kiến thức về biểu hiện bệnh lý của bệnh suy tĩnh mạch và biện pháp điều trị.

1. Giãn tĩnh mạch chân là gì?



Là tình trạng tĩnh mạch nông ở chân bị giãn có thể khiến cho máu chạy theo những đường ngược nhau. 

Bệnh xuất hiện khi thành tĩnh mạch bị suy yếu và các van một chiều bên trong lòng tĩnh mạch bị tổn thương.

2. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao:

Trên thế giới tỷ lệ nam mắc bệnh này là 1%, trong khi đó ở nữ là 4,5%. Tần suất mắc bệnh ở tuổi lao động là 35%, ở tuổi nghỉ hưu là 50%. Ở Việt Nam, theo một nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh gấp 3 lần nam giới.

Những phụ nữ làm việc văn phòng là những người dễ mắc bệnh này hơn cả. Vì họ thường xuyên phải đứng hay ngồi một chỗ quá lâu. Cùng với đó là việc đi giày cao gót và tăng trọng lượng cơ thể càng làm nguy cơ mắc bệnh tăng lên. 
Nguy cơ mắc bệnh lớn nữa thuộc về phụ nữ mang thai, tỷ lệ phụ nữ mang thai bị phù chân là 50%, còn tỷ lệ bị giãn tĩnh mạch chân là 20 – 30%.

 3.Triệu chứng:

Các bệnh nhân mắc bệnh suy tĩnh mạch thường có những triệu chứng bệnh biểu hiện rõ vào mùa hè, khi phải đứng lâu, người bệnh sẽ thấy chân nằng nặng, cảm giác như kiến bò ở chân. Đó là hậu quả của việc ứ máu trong tĩnh mạch.

Khi bệnh nặng hơn, bạn sẽ thấy da chân lộ ra những sợi tĩnh mạch màu xanh hoặc tím, thậm chí là những búi cuộn tĩnh mạch. Những cuộn tĩnh mạch này sẽ phồng lên khi bạn đứng hay di chuyển và xẹp xuống khi bạn nằm.

4. Nguyên nhân:

  • Di truyền có vai trò lớn trong những nguyên nhân mắc giãn tĩnh mạch chân. Theo thống kê có 80% bệnh nhân giãn tĩnh mạch chân mãn tính có cha hoặc mẹ mắc bệnh.

  • Giới tính cũng cho thấy nguy cơ bệnh cao hơn. Thường nữ mắc bệnh nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp.

  • Tăng trọng quá mức cũng là một nguyên nhân chủ yếu do tác động lên đôi chân khiến máu bị dồn về phía chân và trào ngược do gia tăng áp lực từ ổ bụng.

  • Thuốc ngừa thai cũng là một yếu tố nguy cơ.

  • Phẫu thuật có thể gây ra biến chứng huyết khối tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch nhất là những phẫu thuật trong sản khoa và niệu khoa, các thủ thuật khác như bó bột, bất động lâu trong gãy xương v.v…

  • Những người ăn theo chế độ nhiều chất bột, ít chất xơ hay bị táo bón cũng rất dễ bị giãn tĩnh mạch.

5. Phòng tránh bệnh như thế nào?

  • Không đứng hay ngồi một chỗ quá lâu.

  • Không để trọng lượng cơ thể tăng nhanh trong một thời gian ngắn.

  • Khi nghỉ ngơi, nên để chân cao hơn ngực, gác chân cao khi đi ngủ.

  • Ăn nhiều rau, củ, quả và uống nhiều nước để chống táo bón.

  • Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, tốt nhất là đi bộ mỗi ngày 15 phút.

  • Tăng cường vận động hô hấp: Hít thở sâu và đúng.

  • Xoa bóp và ngâm chân trong nước ấm.

  • Tránh đi giày cao gót.

Khi phát hiện ra các triệu chứng mắc bệnh cần phải đến bệnh viện ngay. Ở Việt Nam, 70% các trường hợp mắc bệnh không biết mình có bệnh, vì vậy chỉ khi bệnh đã có những biến chứng mới đi điều trị.

6. Biến chứng của giãn tĩnh mạch:

  • Trước tiên là các biến chứng về rối loạn huyết động học: cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm.

  • Nặng hơn bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.

  • Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.

  • Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

7. Các phương pháp chữa trị hiện nay

  • Dùng băng ép và tất ép
    Mục đích là để tạo áp lực lớn ở phía dưới, áp lực nhỏ ở phía trên và giảm đường kính lòng mạch, giúp máu tĩnh mạch lưu thông về phía trên dễ dàng hơn. Hai dụng cụ này được sử dụng để dự phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch mạn tính, hỗ trợ cho các biện pháp điều trị nội khoa và phòng ngừa tái phát.

  • Dùng thuốc
    Dùng thuốc trợ tĩnh mạch và chống đông máu theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

  • Điều trị bằng thủ thuật và ngoại khoa:

    +) Chích xơ:
    Tĩnh mạch bao gồm ba hệ thống: nông, sâu và xuyên. Chích xơ chỉ dùng trong trường hợp tổn thương hệ thống tĩnh mạch xuyên. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây xơ hóa toàn bộ tĩnh mạch. Bệnh nhân được chích xơ nhiều lần cho đến khi không còn giãn tĩnh mạch nữa.

     +) Mổ cắt bỏ tĩnh mạch bị giãn.:
    Phẫu thuật kéo dài khoảng 5-10 phút, được áp dụng cho trường hợp tổn thương tĩnh mạch nông. Bác sĩ rạch ở mắt cá trong và nếp bẹn rồi luồn một dụng cụ có tên Stripper từ dưới mắt cá trong đi lên trên nếp bẹn để lôi toàn bộ tĩnh mạch bị giãn ra...

    Sau phẫu thuật, bệnh nhân được băng ép toàn bộ chi và bất động trên giường ba ngày.

Sưu tầm

tin tức nổi bật