PKBM Trả lời:
Có nhiều nguyên nhân gây loãng xương. Song trên thực tế hay gặp ở người cao tuổi (cả nam và nữ) vì cùng với sự lão hóa của cơ thể, hoạt động của tế bào tạo xương cũng bị giảm xuống. Đặc biệt phụ nữ sau mãn kinh thường bị loãng xương do hậu quả của sự giảm sút tổng hợp hormone sinh dục buồng trứng (estrogen). Tuy nhiên, nếu chú ý thì có thể phòng ngừa được.
Ở người bình thường, từ tuổi 35 trở đi, xương dần dần giảm calci và tiếp tục giảm sau nhiều năm, dẫn đến chứng loãng xương làm xương xốp, giòn, dễ gãy. Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ loãng xương đặc biệt cao, do mức estrogen giảm mạnh, thúc đẩy quá trình xương mất calci nhanh hơn trong vòng 6-8 năm, sau đó sự mất chất xương diễn ra từ từ. Xương dễ bị gãy, nhất là ở các đốt sống.
Loãng xương khó chữa, nhưng có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm lại. Một trong những phương pháp có khả năng giảm nguy cơ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh là dùng liệu pháp bổ sung estrogen. Nhưng khi dùng đòi hỏi phải được bác sĩ hướng dẫn chu đáo vì không phải ai, không phải với tình trạng sức khỏe nào cũng sử dụng được.
Hiện nay, để phòng chống loãng xương, cách tốt nhất là nên dùng các thức ăn có nhiều chất calci. Nhiều nhà khoa học đã đề nghị những phụ nữ giữa tuổi 25 và 50 nên ăn uống đủ 1.000mg calci mỗi ngày. Theo khẩu phần dinh dưỡng khuyến khích, phụ nữ khi mang thai và cho con bú cần 1.200mg calci/ngày, phụ nữ trên 50 tuổi cần 1.000mg/ngày. Trong các thực phẩm giàu calci thì sữa là thứ tốt nhất bởi có hàm lượng calci cao, có sự tương quan thích hợp với phospho và magie, giúp cơ thể dễ đồng hóa hấp thu.
Chị nên đi kiểm tra mật độ xương và xin tư vấn của bác sĩ Cơ Xương Khớp để được chỉ dẫn cụ thể hơn.