Viêm khớp dạng thấp, loãng xương, thoái hóa cột sống, khớp háng, khớp gối… có thể gặp ở mọi độ tuổi chứ không phải chỉ người già như nhiều người lầm tưởng.
Ở trẻ em, bệnh xương khớp rất đa dạng và có những đặc điểm riêng, có thể kể ra như: thấp khớp cấp, viêm khớp thiếu niên, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp mủ do vi khuẩn lao, dị dạng cột sống, còi xương...
Một số bệnh xương khớp có tính chất gia đình. Lối sống của cha/mẹ đóng vai trò quyết định sức khỏe của con cái. Nếu cha/mẹ hút thuốc lá uống rượu nhiều, mắc các bệnh cảm cúm do virus, hay dùng thuốc không hợp lý trong thời ký mang thai có thể dẫn tới sự xuất hiện những dị tật cơ xương khớp ở con cái của họ.
Trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện thường mắc các bệnh tai mũi họng như viêm họng hạt, viêm amidan, viêm xoang, viêm mủ ngoài da. Đó chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây ra nhiều bệnh ở khớp: thấp tim, viêm khớp nhiễm khuẩn... Phòng ngừa cho trẻ là nên điều trị kịp thời và dứt điểm các nguyên nhân nhiễm khuẩn trên.
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong xuất hiện bệnh lý cơ xương khớp. Với trẻ em, cơ thể cần rất nhiều canxi, Vitamin D, protein và các chất khác để xây dựng khung xương. Do vậy, nếu chế độ ăn uống không đủ chất và số lượng thì trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, dẫn đến bệnh còi xương.
Ngoài ra việc mang vác nặng, ngồi sai tư thế ngồi lâu ngày... cũng là một nguyên nhân phổ biến, gây lệch vai, tổn thương xương sống hoặc gù, cong, vẹo cột sống...
Đối với độ tuổi trung niên, nguyên nhân chủ yếu gây ra gãy xương là do chấn thương, thoái hóa khớp, bệnh gout, loãng xương giai đoạn sớm. Ngoài nguyên nhân do sinh lý cơ thể theo lứa tuổi thì chế độ ăn uống không khoa học cũng là tác nhân gây hại về xương khớp. Một số người đau nhức do xương khớp cơ năng thường hay tự ý uống thuốc để giảm đau cũng là nguyên nhân gây hư xương và thoái hóa khớp. Để phòng ngừa bệnh, cần kiêng cữ, tiết chế, điều độ trong ăn uống.
Đối với người trên 60 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh xương khớp lên tới 60%. Đó là thoái hóa khớp, loãng xương, gãy cổ xương đùi, đau cột sống thắt lưng, gút, ung thư xương... Càng về già chất lượng xương càng yếu dần, vỏ xương không chắc chắn như lúc tuổi trẻ, nên rất dễ gãy cổ xương đùi khi có một sang chấn nhẹ. Biến dạng các khớp xương lâu ngày có thể gây thoái hóa tạo hình ảnh gai xương hoặc một biến dạng bất thường có thể gây ung thư xương với sự đau nhức dài ngày...
Để phòng ngừa, nên có sự tầm soát định kỳ mỗi 6 tháng với kiểm tra tổng quát có sự hướng dẫn của bác sĩ Chuyên khoa Cơ xương khớp. Ngoài ra cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, kết hợp với chế độ thuốc men phù hợp với đặc điểm bệnh lý của người cao tuổi.
Sưu tầm