Loãng xương còn gọi là thưa xương, xốp xương là tình trạng giảm khối lượng xương, thường đi kèm với gãy x ương, đặc biệt là lún các đốt sống. Tuổi cao cùng với việc giảm nội tiết tố, ăn uống thiếu chất là nguyên nhân dẫn đến loãng xương.
Bộ xương của chúng ta cứng cáp được là nhờ có những chất khoáng, nhất là canxi và phospho. Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến xương là: chế độ ăn đầy đủ canxi và các chất khoáng khác; bảo đảm đủ vitamin D để giúp hấp thụ canxi; nồng độ các chất nội tiết tố có vai trò đối với sự phát triển của xương.
1. Nguyên nhân gây loãng xương là gì?
Loãng xương là hậu quả của nhiều nguyên nhân gây ra như: bệnh nội tiết; bệnh thận nặng thải mất quá nhiều canxi; hậu quả của việc dùng thuốc corticoid kéo dài; loãng xương của tuổi mãn kinh và xốp xương của người già chiếm khoảng 90% các trường hợp. Người cao tuổi bị loãng xương là do hấp thụ canxi kém và biến dưỡng trong xương cũng bị kém đi. Trong cơ thể, cấu trúc của xương được đổi mới liên tục, chất xương cũ thải hồi và chất xương mới được tạo ra. Nếu sự thải hồi nhiều mà bù đắp không đủ thì xương bị loãng. Phụ nữ sau mãn kinh thiếu hụt nội tiết tố estrogen, nên chức năng điều hòa hấp thụ canxi vào xương bị suy giảm.
Loãng xương sau mãn kinh gọi là loãng xương týp I, loãng xương týp II là loãng xương tuổi già. Loãng xương týp I xuất hiện trong khoảng thời gian 15-20 năm sau mãn kinh và thường gây ra gãy xương ở cột sống, đầu dưới xương quay, đầu dưới xương chày. Các yếu tố liên quan chặt chẽ đến mãn kinh là nguyên nhân gây loãng xương týp I gồm: sự thiếu hụt estrogen, sự giảm tiết hormon cận giáp trạng, tăng bài tiết canxi qua đường niệu, suy giảm hoạt động của men 25-OH, vitamin D1 anpha hydroxylase làm giảm sự hấp thu canxi ở ruột.
Tỷ lệ loãng xương týp II ở nữ gấp đôi nam và hay gặp gãy cổ xương đùi, gãy lún các đốt sống. Loại loãng xương này liên quan tới hai yếu tố là giảm hấp thu canxi và giảm chức năng tạo cốt bào, dẫn tới cường tuyến cận giáp trạng thứ phát.
Ngoài ra, người ta còn thấy có một số yếu tố tăng nguy cơ bị loãng xương là: yếu tố di truyền, không hay ít hoạt động thân thể, người tạng gầy, người không sinh đẻ, người tắt kinh sớm, người châu Á, người da trắng.
2. Biểu hiện của bệnh như thế nào?
Theo một thống kê, ở Hoa Kỳ có 1,5 triệu trường hợp gãy xuơng do loãng xương hàng năm và khoảng 1/3 số phụ nữ trên 65 tuổi bị gãy đốt sống. Tại Pháp, số phụ nữ bị loãng xương khoảng 4-5 triệu người và khoảng 1,4 triệu nam giới, trong đó 10% bị tàn phế.
Ở Việt Nam, một điều tra cho thấy có khoảng trên 15% phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương. Quá trình loãng xương diễn ra từ từ nên không gây triệu chứng gì. Chỉ tới khi loãng xương nặng, xương bị gãy hoặc bị xẹp mới có biểu hiện.
Ba triệu chứng loãng xương hay gặp là đau cột sống (vì loãng xương ở chi thường không đau); biến dạng cột sống và gẫy xương.
*Đau cột sống lưng hay cột sống thắt lưng cấp tính thường xảy ra sau khi gắng sức nhẹ, ngã hay một động tác sai. Nhiều khi có tiếng kêu rắc kèm theo đau khi vận động.
*Biến dạng cột sống thường thấy lưng còng, sụp cột sống, vẹo cột sống. Chiều cao giảm dần theo tuổi khoảng với mức giảm trên 12cm hoặc khi sờ thấy xương sườn cuối cùng chạm vào mào chậu thì sự giảm chiều cao dừng lại.
Trường hợp bị xẹp đốt sống bệnh nhân thấy đau lưng, đau âm ỉ, hay có khi đau nhói khi đứng lên hoặc vận động. Nếu nhiều đốt xương sống bị gãy hay bị xẹp, thì thấy người thấp hơn trước, đi còng lưng và đau lưng. Ở người cao tuổi chỉ những sơ ý bị ngã nhẹ cũng dễ bị gãy xương tay chân do loãng xương.
*Gãy xương: Y học đã biết nhiều kiểu gãy xương điển hình như gãy cẳng tay, gãy đầu dưới xương quay kiểu Pouteau Colles, gãy cổ xương đùi, gãy xương cẳng chân... hay gặp ở người cao tuổi. Chụp Xquang thấy xương bị gãy và hình ảnh loãng xương. Đối với người không bị gãy xương mà nghi là bị loãng xương, thì xác định bằng phương pháp đo tỷ trọng của xương (bone density).
3. Phòng và chữa trị loãng xương như thế nào?
Bệnh loãng xương có thể gây tàn phế và tử vong. Bệnh ngày một nhiều do mức sống và tuổi thọ ngày càng cao. Tuy điều trị có thể thu được nhiều kết quả nhưng chưa có biện pháp nào ngăn chặn được sự tiến triển của bệnh. Do đó việc phòng bệnh càng trở nên cần thiết và hiệu quả. Khi tuổi càng cao canxi càng giảm dần một cách không thể tránh được, từ 20 –80 tuổi khối lượng xương mất khoảng 30% ở nam và 40 % ở nữ. Vì vậy việc phòng loãng xương ở nữ sau mãn kinh là rất cần thiết với các biện pháp như: tăng cường vận động để giảm loãng xương, vì ít hay không hoạt động sẽ làm cho bệnh loãng xương càng nặng, bệnh nhân có thể vận động trong bể nước nóng khi có điều kiện.
Ngoài cơn đau bệnh nhân nên vận động nhẹ cột sống, thở nhẹ và sâu dần, tránh vận động mạnh có thể bị gãy xương; Thực hiện chế độ ăn đủ chất và đủ canxi, trong khẩu phần ăn cần có khoảng 100g thịt hay cá mỗi ngày. Nếu có điều kiện nên uống 1/4 lít sữa tươi/ngày; Uống estrogen để phòng loãng xương; Thuốc dùng để điều trị bệnh có nhiều loại như: alendronate, calcium, đa sinh tố với D2 hoặc D3, estrogen 50mg ngày, biphosphonat, các chất steroid đồng chuyển hóa, phải dùng thuốc kiên trì và theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Mời xem thêm:
Phòng chống loãng xương ở phụ nữ trẻ