Bệnh nhân N.V.B. mắc phải chứng thoái hóa khớp háng nhiều năm. Gần đây nhất cơn đau hành hạ liên tục khiến bệnh nhân không thể chuyên tâm làm việc và đỉnh điểm hơn hết khi cơn đau dai dẳng khiến bệnh nhân phải nằm viện suốt 20 ngày.
Bệnh nhân B. liên tục cần sự hỗ trợ của thuốc giảm đau và hạ sốt. Các xét nghiệm máu cho thấy nhiều khả năng bị nhiễm trùng.
Bác sĩ Andrew, Bệnh viện Raffles (Singapore) cho biết:”Bệnh nhân Bình bị mòn xương, thoái hóa nặng, sưng tấy và viêm, khiến không thể cử động.”
Điều khiến cho người bệnh chủ quan với bệnh tật của mình là thoái hóa khớp không phải bệnh lý cấp tính. Quá trình thoái hóa khớp diễn ra âm thầm bên trong khớp, dần bào mòn và phá hủy lớp sụn bao phủ đầu xương, làm mất chức năng phân tán lực và bảo vệ đầu xương.
Và chỉ khi những cơn đau đớn kéo dài, không thể tiếp tục công việc, hạn chế vận động, có khi đến mức không thể tự thực hiện được những sinh hoạt cá nhân tối thiểu... người bệnh mới cầu cứu bác sĩ.
Trên thực tế, thoái hoá khớp hay viêm khớp thoái hoá có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào. Tuy nhiên thoái hoá khớp lớn thường gặp hơn, nhất là những khớp chịu lực nhiều như khớp gối, khớp háng và khớp cổ chân.
Nguyên nhân có thể do lạm dụng sức chịu đựng của khớp, do chấn thương, lão hoá, béo phì, tật bẩm sinh, bệnh thống phong, tiểu đường, các bệnh lý nội tiết...
Thoái hóa khớp háng khiến người bệnh đi lại khó khăn vì khớp này gánh trọng lượng cơ thể nhiều nhất. Bệnh nhân thường đau vùng bẹn, sau đó lan xuống đùi, đau tăng khi cử động hay đứng lâu và đi khập khiễng. Triệu chứng của thoái hóa khớp háng liên quan đến tình trạng hư sụn khớp và mọc các gai xương. Cơn đau xuất hiện khi thay đổi tư thế, đi đứng, chạy nhảy, nếu bệnh nhân hạn chế vận động và nghỉ ngơi thì cơn đau cũng giảm theo. Khi bị thoái hóa nặng, các cơn đau khủng khiếp diễn ra thường xuyên hơn và bệnh nhân bị hạn chế cử động khớp háng.
Việc điều trị thoái hóa khớp háng hiện nay còn phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể dùng các phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu (chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại và tập vật lý trị liệu…). Khi bệnh nặng hơn, có thể dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid hay các thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm theo đơn của bác sĩ.
Và trong những trường hợp cẩn thiết sẽ phải phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng (chất lượng khớp háng nhân tạo mới có độ bền tới 30 năm) để khắc phục tình trạng bệnh lý và trở về cuộc sống thường nhật.