Bệnh Động kinh, Cách điều trị bệnh Động kinh

Động kinh xảy ra khi hoạt động điện trong não bị bất thường, não phóng ra quá nhiều xung điện kích thích cùng một lúc gây ra cơn động kinh. Biểu hiện thường gặp nhất của cơn động kinh là co giật toàn thân. Tuy nhiên, còn nhiều dạng động kinh khác như co giật cục bộ một phần cơ thể, cơn vắng ý thức. Mỗi cơn động kinh thường kéo dài khoảng 1–3 phút. Trong cơn động kinh, người bệnh mất ý thức và sau cơn, ý thức phục hồi dần dần.

1. Bệnh động kinh là gì?

Động kinh là một rối loạn của hệ thống thần kinh trung ương (thần kinh) trong đó hoạt động của não bị thay đổi, gây ra co giật hoặc thời gian hành vi và cảm giác bất thường và đôi khi là mất ý thức trong thời gian ngắn.

2. Có những loại thuốc phổ biến nào để điều trị động kinh?

Trong lâm sàng thường chia ra 3 loại thuốc chống động kinh:

  •  Các thuốc có tác dụng đối với mọi thể động kinh:

    - Benzodiazepin: clonazepam (rivotril), diazepam (valium, seduxen), clobazam (urbanyl...)

    - Acid valprovic: natri dipropylacetat (depakin), canxi valproat...
  • Thuốc điều trị các cơn động kinh (trừ thể vắng ý thức điển hình) thường dùng là:

     - Barbituric: phenobarbital (gardenal, luminal), hexamidin (primaclon, mysolin, primidon).

     - Hydantoin: diphenylhydantoin (phenytoin, sodanton, dihydan...).

     - Carbamazepin: tegretol

  • Các thuốc điều trị một vài thể động kinh như:

     - Suxinimid: zarontin.

     - Oxazolidin: trimethadion (trimethin), paramethadion (paradion).

     - Sultiam: elisan, ospolot...

3. Có cần phải điều trị mọi trường hợp mắc động kinh không?

Trên nguyên tắc phải điều trị mọi trường hợp mắc động kinh vì: dùng thuốc chống động kinh mang lại hiệu quả chắc chắn hơn (70% trường hợp khỏi cơn lâu dài). Thuốc chống động kinh là phương thức duy nhất để bảo vệ bệnh nhân khỏi các cơn động kinh, đặc biệt ở nhũ nhi điều trị chống động kinh nhiều khi là một yêu cầu cấp cứu, dự phòng các nguy cơ di chứng do động kinh gây ra.

Tuy vậy cần xem xét cân nhắc khi quyết định dùng thuốc chống động kinh vì hiệu lực của mọi thuốc đều có giới hạn. Điều trị chống động kinh chỉ là điều trị triệu chứng chưa thể ảnh hưởng quyết định tới tiến triển của căn bệnh. Dùng thuốc phải bảo đảm đều đặn, thường xuyên, hằng ngày và lâu dài. Thuốc nào cũng có một số tác dụng phụ thứ phát, dùng không cẩn thận có thể xảy ra biến chứng và tai biến. Thầy thuốc điều trị là người quyết định liều lượng thuốc cũng như chịu trách nhiệm theo dõi trong suốt quá trình dùng thuốc.

4. Điều trị động kinh cần theo nguyên tắc nào?

Có một số nguyên tắc cần nắm chắc:

  • Thầy thuốc điều trị sau khi đặt chẩn đoán sẽ lựa chọn loại thuốc chống động kinh thích hợp cho tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Liều lượng thuốc chỉ định phải căn cứ vào thể bệnh, loại cơn lâm sàng, thể trạng bệnh nhân. Phần lớn chỉ dùng một loại thuốc nhất định với điều kiện đạt được nồng độ trong máu để có thể thu được hiệu quả lâm sàng. Thuốc dùng uống là chủ yếu.

  • Thuốc điều trị phải được dùng hằng ngày, chia làm 2-3 lần, dùng đúng và đủ liều quy định, thường xuyên như cơm bữa, bệnh nhân không được tự ý tăng, giảm hoặc ngừng thuốc đột ngột.

  • Theo dõi diễn biến lâm sàng của bệnh và các biểu hiện thứ phát của thuốc để kịp thời thông báo cho thầy thuốc điều trị biết, nhằm điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp với bệnh trạng của bệnh nhân.

  • Không bao giờ kết hợp 2 thứ thuốc cùng loại với nhau (ví dụ phenobarbital với primidon, seduxen với mogadon...).

  • Có kế hoạch kiểm tra từng thời kỳ công thức máu, các chức năng gan, thận của bệnh nhân.

  • Tùy theo từng trường hợp, ngoài thuốc, bệnh nhân phải có chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động, nghỉ ngơi, giải trí thích hợp.

5. Điều trị động kinh liên tục như thế nào?

Động kinh liên tục khi đã được chẩn đoán yêu cầu phải xử trí cấp cứu. Phải bằng mọi cách giải quyết cắt cơn động kinh để ngăn chặn các hậu quả nặng nề có thể xảy ra tiếp như các rối loạn thần kinh thực vật, thiếu ôxy não, phù não... có thể dẫn tới tử vong. Những thuốc cắt cơn động kinh có hiệu lực thường dùng là diazepam (valium, seduxen) hoặc clonazepam (rivotril) dưới dạng ống tiêm.

Tất cả các trường hợp động kinh liên tục nếu giải quyết như trên mà vẫn không cắt được cơn cần phải đưa khẩn cấp tới bệnh viện để điều trị một cách tích cực, đề phòng biến chứng và tai biến có thể xảy ra đối với bệnh nhân.

6. Khi nào có thể ngừng điều trị?

Động kinh là một trạng thái bệnh lý kéo dài và có thể mạn tính tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt là các tổn thương ở não hoặc là một ổ động kinh hoặc là do ngưỡng co giật ở não bị hạ thấp. Vì vậy theo cổ điển cần phải điều trị động kinh một cách lâu dài và kiên trì. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, hoàn cảnh cho phép đặt vấn đề ngừng điều trị động kinh. Ví dụ:

  • Chưa có chẩn đoán chắc chắn là động kinh thì có thể cẩn thận giảm liều dần rồi đi đến cắt bỏ thuốc chống động kinh đồng thời cảnh giác có thể xảy ra trạng thái động kinh.

  • Một số thể lâm sàng có thể ngưng điều trị như động kinh có cơn kịch phát ở vùng đỉnh, động kinh cơn nhỏ ở trẻ em, động kinh toàn bộ nguyên phát dạng cơn lớn ở trẻ em (hằng năm chỉ xảy ra 2-3 lần), động kinh toàn bộ nguyên phát dạng cơn lớn ở tuổi thiếu niên, động kinh sau chấn thương không tiến triển và không nặng lắm...

Việc ngừng điều trị này phải do thầy thuốc chuyên khoa cân nhắc và quyết định. Nói chung sau khoảng từ ba đến bốn năm với phương thức điều trị đều đặn mà không thấy cơn động kinh tái phát thì có thể ngừng điều trị. Tiến hành ngừng điều trị bằng cách giảm dần liều điều trị trong thời gian hằng tháng, mặt khác tiếp tục theo dõi điện não đồ và nội khoa nói chung.

GS. TS. Lê Đức Hinh
Chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam

tin tức nổi bật