Điều trị viêm họng hạt tương đối khó. Việc đốt điện chỉ tạm thời loại bỏ một số hạt to, gây kích thích ngứa họng mà thôi. Nếu chỉ đốt hạt đơn thuần mà không điều trị viêm nhiễm xung quanh thì bệnh sẽ tái phát như cũ.
Họng là ngã tư đường ăn và đường thở. Khi ta ăn, thức ăn qua miệng, họng, xuống thực quản để vào dạ dày. Khi ta thở, không khí đi qua mũi, qua họng, rồi qua thanh khí quản để vào phổi. Bởi vậy, những bệnh tật của các vùng liên quan đều có thể gây viêm họng. Viêm họng mạn tính tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến viêm họng hạt. Bệnh không nặng nhưng gây khó chịu, nhất là trong giao tiếp.
Viêm họng hạt chỉ là phản ứng của niêm mạc họng bị viêm nhiễm trường diễn. Vùng họng chứa nhiều mô lympho với nhiệm vụ diệt khuẩn. Vi khuẩn xâm nhập vùng họng sẽ bị các bạch cầu ở đây bắt giữ đưa vào mô lympho và tiêu diệt ở đó. Nếu họng bị viêm mạn tính, các mô lympho phải làm việc liên tục trong một thời gian dài nên ngày càng to ra và gây viêm họng hạt. Thành sau họng sẽ có nhiều hạt lớn nhỏ như đầu đinh ghim hoặc hạt ngô, có nhiều hạt nối liền với nhau bằng những dây máu đỏ.
Lúc bình thường, các mô lympho ở họng là nơi diệt khuẩn âm thầm, chúng ta không có cảm giác gì. Nhưng khi trở thành “hạt” thì nó lại kích thích họng gây khó chịu. Người bệnh lúc nào cũng thấy vương vướng trong họng, ngứa họng, phải đằng hắng hay ho nhẹ một tiếng mới hết; và chỉ một lúc sau (vài giờ, thậm chí chỉ mấy phút) lại bị ngứa họng, lại phải đằng hắng hay ho nhẹ một cái.
Bệnh diễn biến một thời gian dài (vài tháng, có khi vài năm). Tình trạng ngứa họng ngày càng nặng hơn, việc đằng hắng không còn tác dụng nữa. Bệnh nhân ho khan, thường không có đờm, có lúc phải ho cả tràng, thậm chí ho dây dài không kịp thở.
Để điều trị viêm họng hạt, trước hết phải loại bỏ các ổ vi khuẩn xung quanh; phải tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến viêm họng hạt để chữa một cách triệt để. Ví dụ: điều trị viêm mũi, viêm xoang, viêm khí phế quản, viêm amidan... để loại bỏ ổ vi khuẩn từ một trong những nơi này.
Ngoài ra, người bệnh cần giữ sạch răng miệng, đánh răng và súc miệng kỹ sau ăn. Không hút thuốc lá, kể cả hút thụ động (hít thở phải nhiều khói thuốc do người khác hút), kiêng rượu mạnh, tránh ăn kem, uống nước đá lạnh... Luôn giữ ấm vùng cổ, tập thở sâu (phương pháp thở bụng) dài hơi, nhẹ nhàng và đều đặn.
BS VŨ HƯỚNG VĂN, Sức Khỏe & Đời Sống