Dấu hiệu sớm của ung thư mũi xoang

Các khối u mũi và xoang là các khối u có thể lành tính hoặc ác tính (ung thư) xảy ra trong mũi xoang. Ung thư ở khoang mũi hoặc các khối u ở xoang rất hiếm gặp. Hầu hết các loại khối u mũi xoang (60 - 70%) xảy ra trong các xoang hàm trên, chỉ có khoảng 20 - 30% trong khoang mũi và từ 10 - 15% trong các xoang sàng. Ung thư trong các xoang bướm hoặc trán là cực kỳ hiếm, chỉ chiếm 5%.

1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh

Nam giới có nhiều khả năng bị ung thư xoang hơn phụ nữ. Độ tuổi phổ biến nhất để chẩn đoán tình trạng này là 50 và 60. Hút thuốc lá và khói thuốc lá là một yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ung thư mũi xoang, cũng giống như các ung thư khác của đường hô hấp. Tiếp xúc với bụi từ da, gỗ hoặc vải dệt, cũng như hơi formaldehyde, dung môi, niken, crôm, cồn và radium làm tăng nguy cơ ung thư mũi xoang. Tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là tránh hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư mũi xoang.


Soi mũi xoang giúp chẩn đoán bệnh.

2. Các loại ung thư mũi xoang

Một số loại ung thư khác nhau có thể xảy ra trong khoang mũi hoặc xoang, bao gồm:

Ung thư tế bào vảy (phổ biến nhất, khoảng 70% ung thư xoang) xảy ra trong đường hô hấp. Ung thư tuyến (khoảng 10 - 20%) xảy ra ở lớp niêm mạc xoang. U lympho (khoảng 5% bệnh ung thư) gây ra bởi các tế bào trong hệ miễn dịch hay bạch huyết.

Khối u ác tính (khoảng 3%) phát sinh từ các tế bào ở niêm mạc xoang có chứa sắc tố và rất ác tính. U nguyên bào thần kinh khứu giác phát triển từ các dây thần kinh, nơi thần kinh đi vào khoang mũi và cung cấp cảm giác về mùi.

Nhiễm virut HPV có thể gây ra u nhú, giống như mụn cóc tăng trưởng trong mũi xoang, hầu hết là lành tính nhưng có khoảng 10% tiến triển thành ung thư.

Dấu hiệu của bệnh:

Mặc dù đôi khi ung thư mũi xoang không có triệu chứng, nhưng các triệu chứng kéo dài sau đây có thể là dấu hiệu ung thư, bao gồm: nghẹt mũi liên tục, đặc biệt là ở một bên; đau ở trán, mũi, má hoặc xung quanh mắt hoặc tai; chảy dịch qua cửa mũi sau xuống họng; chảy máu cam thường xuyên và liên tục; nhìn đôi hoặc nhìn mờ; mất cảm giác về mùi hoặc hương vị; đau hoặc tê ở mặt hoặc răng; sưng nề vùng mặt, vòm miệng, mũi hoặc cổ; chảy nước mắt; khó mở miệng; tái phát nhiễm khuẩn tai; khó khăn trong việc nghe.

Khi thấy các dấu hiệu trên, người bệnh cần được khám và tư vấn bởi  bác sĩ tai mũi họng để xác định có phải ung thư mũi xoang hay không. Dưới sự hướng dẫn của nội soi, các bác sĩ có thể lấy một mảnh khối u (sinh thiết tế bào) để xác định bệnh. Nếu là ung thư, người bệnh cần được chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ để xác định độ lan rộng cũng như ảnh hưởng của khối u.


Ung thư thanh quản là loại ung thư hay gặp ở Việt Nam.

3. Điều trị các khối u mũi và xoang

Nếu ung thư được tìm thấy trong khoang mũi xoang thì có thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Nếu khối u nhỏ thường có thể được lấy bỏ bằng cách sử dụng phẫu thuật nội soi. Nếu một khối u đã lan vào má, mắt, dây thần kinh hoặc các cấu trúc quan trọng khác thì cần phẫu thuật mở và tia xạ bổ sung sau mổ. Các bác sĩ phẫu thuật tại Khoa Ung bướu - Bệnh viện Tai mũi họng là các chuyên gia về điều trị phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở ung thư mũi xoang.Như vậy ung thư mũi xoang ít gặp, các triệu trứng không rõ ràng dễ nhầm với các triệu chứng bệnh mũi xoang thông thường. Người dân cần tránh những yếu tố nguy cơ cao gây ra bệnh và đến cơ sở khám chữa bệnh tai mũi họng khi có triệu chứng nghi ngờ để được phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả. 

ThS.Nguyễn Quang Trung

tin tức nổi bật