Giảm đau nhức xương khớp ở người Cao tuổi



Tuổi già sụn khớp lão hóa dễ dẫn đến đau nhức, đi lại khó khăn. Đau nhức xương khớp ở người già ảnh hưởng rất nhiều tới tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cách làm giảm đau nhức xương khớp hiệu quả mà bệnh nhân có thể tham khảo.

1. Tình trạng đau nhức xương khớp ở người già
Người lớn tuổi rất dễ mắc các bệnh về xương khớp như: Loãng xương, thoái hóa sụn khớp, thoái hóa đốt sống, thoái hóa khớp gối... Chất lượng xương và sụn khớp suy giảm theo thời gian. Càng lớn tuổi, sức khỏe xương khớp càng đi xuống. Sụn khớp bị mòn dần đi, làm giảm độ linh hoạt của các cơ xương, đi lại khó khăn.

Ở phụ nữ mãn kinh, sự suy giảm nội tiết tố nữ làm hạn chế khả năng hấp thụ canxi vào xương, dễ dẫn đến loãng xương hơn ở nam giới. Những người đã từng có chấn thương xương khớp, béo phì, mắc các bệnh về chuyển hóa cũng ảnh hưởng đến khớp xương khi về già.

Đa số khi ngoài 50 tuổi, con người bắt đầu cảm thấy các dấu hiệu lão hóa của xương khớp như những cơn đau nhức mỏi xương khớp thường xuyên, khớp co cứng vào buổi sáng, đau lưng và xương khớp khi thay đổi thời tiết... Các bệnh lý về xương khớp cần được điều trị càng sớm càng tốt, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, dễ dẫn đến gãy xương ngay cả khi gặp phải chấn thương nhẹ.

2. Thuốc trị đau nhức xương khớp cho người già
2.1. Điều trị loãng xương
Một số loại thuốc điều trị loãng xương cho người cao tuổi như:
• Vitamin D dùng 800 - 1.000 IU/ngày với những người từ 50 tuổi trở lên. Vitamin D giúp tăng khả năng hấp thụ canxi.
• Bisphosphonate: Các bisphosphonate được chia làm hai nhóm gồm: bisphosphonate không có amin và bisphosphonate có amin (pamidronate).

2.2. Điều trị thoái hóa khớp
Một số thuốc điều trị thoái hóa khớp cho người cao tuổi như:
• Thuốc giảm đau acetaminophen
• Thuốc chống viêm không steroid như: celecoxib, etoricoxib, meloxicam, diclofenac. Thuốc chống viêm giảm đau chỉ sử dụng trong đợt tiến triển của bệnh. Lưu ý, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ cho dạ dày, ruột, thận, tim mạch...

3. Các cách làm giảm đau nhức xương khớp ở người cao tuổi
3.1. Chế độ ăn uống hợp lý
• Ăn nhiều thực phẩm chứa canxi như: Tôm, cua, ốc, sữa, phô mai...
• Ăn nhiều thực phẩm chứa axit béo omega 3 như: các loại hạt, cá...
• Ăn nhiều các loại rau xanh để hạn chế tình trạng viêm nhiễm. Ví dụ: rau cải xanh, rau chân vịt, rau cải xoăn...
• Bổ sung thêm vitamin C và vitamin D...

3.2. Tập thể dục thường xuyên
Người già nên tập thể dục nhẹ nhàng như: Đi bộ, tập dưỡng sinh... để vừa duy trì sự dẻo dai, linh hoạt của các khớp, vừa duy trì cân nặng cơ thể ở mức phù hợp. Vận động giúp bôi trơn các khớp và nuôi dưỡng sụn khớp, bảo vệ khớp giúp cân bằng, nâng cao sức khỏe, ngăn chặn các cơn đau, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ và giảm mệt mỏi.

3.3. Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh
Không khí lạnh cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các cơn đau nhức xương khớp ở người cao tuổi. Vì thế, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài khi trời lạnh để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến xương khớp.


BS. Duyên Trang

Mời đọc thêm: CHUYÊN KHOA CƠ - XƯƠNG - KHỚP

Thoái hóa cột sống thắt lưng - Chẩn đoán và điều trị

 

tin tức nổi bật