Vaccine thứ hai ngăn ngừa sốt rét, thuốc điều trị bệnh hồng cầu hình liềm, trầm cảm sau sinh và phương pháp ngăn ngừa Alzheimer là những thành tựu y khoa đáng chú ý trong năm 2023.
Năm 2023 là năm có những bước phát triển đáng kể về y khoa và nghiên cứu, bất chấp sự bất ổn về kinh tế và chính trị. Dưới đây là bình chọn của các nhà báo chuyên mục Sức Khỏe của tờ Washington Post về các thành tựu y khoa tích cực, tạo sự lạc quan và niềm tin cho độc giả.
1- WHO phê duyệt vaccine sốt rét mới, giá phải chăng
Tháng 10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê duyệt vaccine sốt rét mới. Đây là lần thứ hai thế giới có vaccine chống lại căn bệnh gây chết người này. Ba liều vaccine giúp giảm 75% ca bệnh có triệu chứng trong vòng một năm. WHO dự tính vaccine có giá từ 2 đến 4 USD mỗi liều, sẽ ra mắt thị trường giữa năm 2024.
Hơn 600.000 người tử vong vì sốt rét năm 2021, trong đó trẻ dưới 5 tuổi chiếm 80% số ca tử vong ở châu Phi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết nước này báo cáo khoảng 2.000 ca sốt rét mỗi năm, phần lớn trong số họ mắc bệnh ở nước ngoài.
Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết thông báo này khiến ông "rất vui mừng".
"Tôi từng mơ về một ngày chúng ta có loại vaccine chống bệnh sốt rét an toàn và hiệu quả. Giờ chúng ta có đến hai loại", ông nói.
2- Hai phương pháp điều trị bệnh hồng cầu hình liềm
Vào tháng 12, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cũng phê duyệt hai phương pháp điều trị bệnh hồng cầu hình liềm - tình trạng suy nhược hiếm gặp ảnh hưởng đến khoảng hàng triệu người trên toàn cầu. Căn bệnh có thể gây ra những cơn đau cực độ, liên tục và làm giảm tuổi thọ của con người.
Cả hai đều là liệu pháp gene, đã được chứng minh về hiệu quả ngăn chặn các cơn đau nghiêm trọng ở hầu hết bệnh nhân trong các thử nghiệm lâm sàng. Phương pháp đầu tiên sử dụng loại virus vô hại để đưa gene vào tế bào gốc của bệnh nhân. Phương pháp thứ hai là liệu pháp điều trị y tế đầu tiên dựa trên công cụ chỉnh sửa gen CRISPR .
Cả hai đều là những thủ thuật chuyên sâu, tốn kém và cần hóa trị, có tác dụng phụ đáng kể. Tuy nhiên, các bệnh nhân cho biết họ vẫn cảm nhận được những lợi ích sâu sắc của thuốc đối với cuộc sống. Một trong những tình nguyện viên sử dụng thuốc trong thử nghiệm lâm sàng là Jimi Olaghere. Ông bố ba con từng ví nỗi đau do căn bệnh này như "mảnh thủy tinh cứa vào huyết quản". Sau nhiều năm không thể ngủ vào ban đêm vì đau, ông đã có lại năng lượng, trở nên bình thường hơn nhờ loại thuốc mới.
Một tế bào hồng cầu hình liềm. Ảnh: CDC
3- FDA phê duyệt thuốc đột phá điều trị trầm cảm sau sinh
Tại Mỹ, FDA cũng phê duyệt một số loại thuốc có khả năng thay đổi cuộc sống. Một trong đó là thuốc đầu tiên điều trị chứng trầm cảm sau sinh, căn bệnh ảnh hưởng đến một phần năm số phụ nữ. Tình trạng này có thể khiến các bà mẹ đang mang thai hoặc mới sinh con trải qua cảm giác tuyệt vọng, thậm chí rối loạn tâm thần kéo dài nhiều năm trong một số trường hợp.
Thuốc mới được sử dụng mỗi ngày trong hai tuần, tiện lợi hơn những phương pháp điều trị tiêm tĩnh mạch, có thể mất tới 60 giờ tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe. Bệnh nhân có thể uống thuốc mới tại nhà, đặc biệt phù hợp với những người đang chăm sóc trẻ sơ sinh.
Các chuyên gia cho rằng loại thuốc này có thể không phù hợp với tất cả phụ nữ, sẽ không điều trị được toàn bộ vấn đề về sức khỏe tâm thần của bà mẹ. Tuy nhiên, đây vẫn là một phương pháp hữu ích, thuận tiện và nhanh chóng đối với những ngày đầu sau sinh, khi em bé và cha mẹ bắt đầu gắn bó.
4- Tìm ra cách ngăn chứng mất trí nhớ
Trong năm 2023, các nhà khoa học đã đạt được tiến bộ trong việc tìm hiểu về chứng mất trí nhớ, một trong những mối quan tâm về sức khỏe lớn nhất tại các quốc gia có dân số già. Dù thầm lặng, căn bệnh tàn khốc, cướp đi khả năng thực hiện các công việc hàng ngày của con người.
Dù chưa có phương pháp chữa trị chứng sa sút trí tuệ được phê duyệt, nhiều nghiên cứu khoa học phát hiện cách để giảm nguy cơ phát triển tình trạng này.
Nghiên cứu công bố năm nay cho thấy cải thiện thói quen sinh hoạt, hoạt động thể chất thường xuyên, ăn uống lành mạnh và tiếp xúc xã hội nhiều có thể làm giảm tốc độ mất trí nhớ khi về già. Nghiên cứu khác phát hiện sống ở những khu vực có nhiều không gian xanh tự nhiên khiến tỷ lệ nhập viện vì các bệnh liên quan đến trí nhớ thấp hơn. Việc sử dụng máy trợ thính cũng có thể làm giảm một nửa nguy cơ suy giảm nhận thức.
Lần đầu tiên, FDA cũng phê duyệt loại thuốc hoàn toàn mới có thể làm chậm thời gian phát triển bệnh Alzheimer. Dù các câu hỏi về độ an toàn, hiệu quả và chi phí của thuốc còn bỏ ngỏ, nhiều nhà thần kinh học cho rằng việc có được loại thuốc làm chậm bệnh Alzheimer là cột mốc quan trọng sau nhiều năm thử nghiệm thất bại.
Nguồn VNExpress
Được thành lập năm 1998, trong suốt quá trình hình thành và phát triển Phòng khám đa khoa Bình Minh 103 Đường Giải Phóng Hà Nội được sự quan tâm, hợp tác, giúp đỡ của nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, Chuyên viên đầu ngành, Bác sĩ tại các bệnh viện lớn của trung ương và Hà Nội.
Phòng khám Binh Minh đã phát triển vượt bậc với nhiều chuyên khoa sâu như: Tim mạch, Thần kinh, Tiêu hoá, Gan mật, Nội tiết -Tiểu đường, Thận tiết niệu, Nam khoa, Cơ xương khớp, Tai mũi họng...
Mời xem thêm: