Giải Nobel Y học năm 2015 được trao cho các liệu pháp mới chống lại bệnh nhiễm giun và sốt rét

Năm 2015, giải Nobel Y học đã được trao cho các nhà khoa học William C. Campbell, Satoshi Omura và Youyou Tu.

Giải Nobel Y học 2015 đã được trao cho ông William C. Campbell (Mỹ) và ông Satoshi Omura (Nhật) với việc phát hiện ra liệu pháp mới chống lại bệnh nhiễm giun (giun tròn) và cho bà Đồ U U (Trung Quốc) với việc khám phá ra phương pháp điều trị mới cho bệnh sốt rét, theo một thông cáo báo chí của Viện Karolinska, được Agerpres trích dẫn.

Giải thưởng trị giá 8 triệu corone Thụy Điển (khoảng 855.000 euro) được chia thành hai phần bằng nhau: William C. Campbell (85 tuổi) và Satoshi Omura (80 tuổi) được một nửa và Đồ U U (84 tuổi) nhận nửa còn lại.

Bệnh do ký sinh trùng gây ra cho con người đã luôn luôn và tiếp tục là một vấn đề quan trọng đối với y học hiện đại. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là người dân ở các nước nghèo. Những người đoạt giải Nobel Y học năm nay đã phát triển các phương pháp điều trị giúp cách mạng hóa việc điều trị một số bệnh ký sinh trùng nghiêm trọng nhất.


William C. Campbell, một chuyên gia người Mỹ về sinh học ký sinh trùng và nhà vi sinh học người Nhật Bản Satoshi Omura đã phát hiện ra một loại thuốc mới, Avermectin, mà dẫn xuất đã hạn chế đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh của Robles hay bệnh giun chỉ bạch huyết và có tác dụng điều trị trong các bệnh ký sinh trùng khác.

Bệnh của Robles (chứng mù sông hoặc bệnh giun chỉ u) là một bệnh gây ra bởi giun chỉ xoắn nhiễm ký sinh trùng giun. Các triệu chứng bao gồm ngứa trầm trọng và xuất hiện một số nốt không đau dưới da ở vùng bị ảnh hưởng, và căn bệnh này có thể dẫn đến mù lòa, là nguyên nhân thứ hai phổ biến nhất của bệnh mù gây ra bởi nhiễm trùng, sau bệnh đau mắt hột (viêm kết mạc granulosa).

Bệnh ký sinh hạch và mạch bạch huyết và phá hoại tiếp theo của mạch bạch huyết với giun chỉ, bệnh giun chỉ bạch huyết (bệnh chân voi) được truyền qua muỗi đốt và ảnh hưởng đến hơn 100 triệu người trên toàn thế giới. Giun chỉ là một loại sâu như sợi chỉ dài từ 4 đến 10 cm. Con cái đẻ trứng (phôi hình giun) vào trong máu và bạch huyết. Giun trưởng thành sống trong các hạch bạch huyết và mạch bạch huyết. Bệnh này thường lây lan ở các nước có khí hậu nóng và ẩm ướt và được biểu hiện bằng những cơn sốt kèm theo đau đớn trong vùng hạch bạch huyết bẹn. Loại này phát triển về khối lượng và mạch bạch huyết có dạng những dây đỏ và sưng phồng dưới da (viêm mạch bạch huyết).

Nhà vi sinh vật học Nhật Bản Satoshi Omura tập trung vào một nhóm vi khuẩn, Streptomyces, chúng sống trong đất và được biết đến với khả năng sản xuất một loạt các tác nhân kháng khuẩn (bao gồm cả streptomycin do Selman Waksman phát hiện, giải Nobel 1952). Ông Omura đã thành công để phân lập các chủng mới của Streptomyces từ các mẫu đất và đã nuôi trồng thành công trong phòng thí nghiệm. Từ hàng ngàn cách nuôi trồng các vi khuẩn như vậy ông đã lựa chọn 50 chủng hứa hẹn nhất để phân tích chế độ hoạt động chống lại tác nhân gây bệnh khác nhau.

William C. Campbell đã nhận được một số chủng Streptomyces do Omura phát triển và bắt đầu khám phá hiệu quả. Ông đã chứng minh rằng một hợp chất của một trong những thứ được nuôi cấy là vô cùng hiệu quả chống lại các ký sinh trùng gây hại  cho vật nuôi. Hợp chất hoạt tính sinh học này được tinh chế và được đặt tên là Avermectin, sau đó chúng được cải thiện về mặt hóa học và đưa ra dưới tên của Ivermectin -thuốc này đã được chứng minh hiệu quả chống lại bệnh nhiễm trùng ký sinh ở người.

Các hoạt động nghiên cứu do Omura và Campbell tiến hành đã dẫn đến việc phát hiện một loại thuốc mới rất hiệu quả chống lại ký sinh trùng.

Nhà nghiên cứu người Trung Quốc Đồ U U đã thu được Artemisinin, một loại thuốc làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân sốt rét.

Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm lây truyền qua muỗi đốt. Sau khi đốt,  ký sinh trùng đơn bào thuộc giống Plasmodium xâm nhập vào các tế bào máu, gây ra những cơn sốt và trong trường hợp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến não không thể  chữa và thậm chí gây tử vong. Hiện nay, hơn 3,4 tỷ người ở các nước nghèo phải đối mặt với mối đe dọa của bệnh này, gây ra hàng năm 450.000 trường hợp tử vong, đặc biệt là ở trẻ em.

Thông thường bệnh sốt rét được điều trị bằng chloroquine hoặc quinine  (kí ninh), nhưng với thành công vừa phải. Trong những năm cuối thập niên 60, những nỗ lực để tiêu diệt sốt rét đã thất bại, còn tỷ lệ tử vong do bệnh này lại gia tăng. Trong những năm đó, bà Đồ U U bắt đầu nghiên cứu một số thảo dược được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, để khám phá một phương thuốc chống lại bệnh sốt rét tốt hơn. Bà đã thu được những kết quả đầy hứa hẹn với chiết xuất từ cây Artemisia annua và đã chứng minh rằng hợp chất của loại cây này, sau  được gọi là Artemisinin, là rất hiệu quả chống lại các ký sinh trùng gây bệnh sốt rét cả ở động vật bị nhiễm bệnh và ở con người. Artemisinin là một loại mới của các hoạt chất tiêu diệt ký sinh trùng gây bệnh sốt rét ngay từ giai đoạn đầu phát triển của chúng, điều này giải thích khả năng phi thường của thuốc này chống lại bệnh sốt rét.

Sau nhiều thập kỷ với những tiến bộ khiêm tốn trong việc phát triển các liệu pháp chống lại các bệnh do ký sinh trùng, những phát hiện của ba người đoạt giải Nobel Y học năm nay đã thay đổi đáng kể tình hình. Hai khám phá này đã giúp cho nhân loại những vũ khí mạnh mẽ chống lại những căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm. Theo thông cáo chính thức của Ủy ban Nobel, “hệ quả của những phát hiện này trong việc cải thiện sức khỏe của con người là vô tận”.

Kim Xuân lược dịch.

tin tức nổi bật